86,6% phòng học kiên cố hóa, vẫn cần 10.794 phòng nhà công vụ giáo viên

GD&TĐ - Đến hết năm 2023, đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%; nhu cầu nhà công vụ của các địa phương là 10.794 phòng.

Học sinh và giáo viên tỉnh Gia Lai trong giờ học. Ảnh: Dung Nguyễn.
Học sinh và giáo viên tỉnh Gia Lai trong giờ học. Ảnh: Dung Nguyễn.

Tăng 20,7% phòng học kiên cố hóa sau 10 năm

Sáng 25/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Theo số liệu thống kê năm 2013, cả nước chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp. Đặc biệt, cấp học mầm non, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước chỉ là 47,7% (vùng Tây Bắc chỉ khoảng 36,5%, Tây Nguyên 35,4%, Bắc Trung Bộ chỉ khoảng 32,8%). Cấp tiểu học, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước cũng chỉ là 61,6% (thấp nhất là vùng Tây Bắc chỉ khoảng 43%, Đồng bằng sông Cửu Long 48,4%).

Đến hết năm 2023, đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Trong đó, cấp học mầm non đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 83,0%, tăng 35,3% so với năm 2013; tiểu học đạt 83,2%, tăng 21,6% so với năm 2013; THCS đạt 94,9%, tăng 14,4%; THPT tỷ lệ 97,0%, tăng 6,6%; các trường phổ thông có nhiều cấp học tỷ lệ kiên cố hóa trung bình khoảng 83,0%.

Mặc dù vậy, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước. Theo đó, tỷ lệ phòng học/lớp đối với cấp mầm non là 0,86 phòng học/lớp, tiểu học 0,97 phòng học/lớp (trong khi yêu cầu là 1 phòng/lớp); THCS và THPT đã đáp ứng yêu cầu (tối thiểu 0,6).

Về nhà công vụ cho giáo viên, trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng nặng không thể sử dụng.

Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa và nhà công vụ cho giáo viên) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.

nha-cong-vu-4717-6717.jpg
Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Ảnh: Trần Hiệp.

Đóng góp to lớn của nguồn xã hội hóa

Bộ GD&ĐT nhận định, quá trình kiên cố hóa đã đạt được những kết quả rõ rệt. Trong đó, xã hội hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển bền vững hệ thống giáo dục Việt Nam.

Trong giai đoạn 2013 - 2023, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương.

Cụ thể, khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội trong 10 năm khoảng 36.000 phòng. Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm khoảng 1.300 phòng.

Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9ha.

Việc xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, cấp học mầm non có 56.9% trường đạt chuẩn quốc gia, cấp tiểu học có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THCS có 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; THPT có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia..

Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa trong những năm tiếp theo, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ