Đến lúc phải đổi mới xã hội hóa giáo dục

GD&TĐ - Sau 3 năm tạm lắng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, lạm thu tại các trường nóng trở lại.

Cô trò Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc
Cô trò Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc

Nhiều trường học đưa ra các khoản thu cao, bất hợp lý, khiến phụ huynh “choáng”, dư luận xôn xao. Nhưng cũng có đơn vị đã tìm ra cách xã hội hóa phù hợp, được đa số phụ huynh thấu hiểu, ủng hộ.

Gồng mình đóng quỹ

Ngày 27/9, trên các diễn đàn xôn xao với bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh (TPHCM). Theo bảng kê này, số tiền thu được từ quỹ phụ huynh của lớp 1/2 là 313.300.000 đồng, đã chi 260.328.500 đồng và còn 52.971.500 đồng.

Theo dự toán thu chi ở lớp 1/2 do phụ huynh cung cấp, một số khoản chi nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh như sửa chữa phòng học, mua quà cho học sinh, đồ trang trí lớp, cây xanh, chi phí cho tiết mục văn nghệ, mua sắm đồ dùng trong lớp, tiền vệ sinh lớp...

Tuy nhiên, một số khoản chi khiến phụ huynh bức xúc như “chi tiền hỗ trợ nguyên năm cô Thu nhờ thêm người bưng bê, dọn dẹp ăn trưa trước lớp” với số tiền 1,5 triệu đồng; “chi tiền hỗ trợ giáo viên trong học kỳ I” với số tiền 4 triệu đồng; “tiền hòa mạng Internet” với số tiền 1,6 triệu đồng...

Trước phản ánh trên, cô Bùi Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà cho biết, nhà trường đã yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/2 dừng chi tiền hỗ trợ nhân viên bảo mẫu. Đồng thời, nhân viên bảo mẫu phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận hỗ trợ trước đó từ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sau sự việc ở lớp 1/2, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà cho biết sẽ rút kinh nghiệm chung trong toàn trường, trong đó có việc chấn chỉnh tình hình thu chi các khoản đầu năm ở các lớp, không tạo áp lực cho phụ huynh.

Tương tự, với 16 khoản thu, Phòng GD&ĐT TP Chí Linh (Hải Dương) yêu cầu Trường THCS Nguyễn Trãi trả lại những khoản chưa đúng cho phụ huynh học sinh.

Báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Chí Linh cho thấy: Sau khi xem xét Báo cáo số 187 ngày 26/9 của Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, phòng yêu cầu nhà trường thực hiện thu học phí theo Công văn số 1569 ngày 8/9 của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương; thu bảo hiểm y tế theo Công văn số 131 ngày 27/7 của Bảo hiểm xã hội TP Chí Linh về việc hướng dẫn thu phí và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024. Thu tiền trông giữ xe theo Quyết định số 04 năm 2018 của UBND tỉnh Hải Dương về việc quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đối với các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, Phòng GD&ĐT TP Chí Linh yêu cầu Trường THCS Nguyễn Trãi thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 08 năm 2022 của HĐND tỉnh Hải Dương và dừng thu khi chưa có ý kiến của các cấp có thẩm quyền.

Phòng GD&ĐT TP Chí Linh yêu cầu Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về phòng GD&ĐT thành phố trước ngày 30/10.

Sau 3 năm tạm lắng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, lạm thu tại các trường nóng trở lại. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta chưa có ràng buộc trách nhiệm đủ mạnh với người đứng đầu cơ sở GD và cả ngành GD địa phương.

Thầy trò ở điểm lẻ Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) đón nhận quà hỗ trợ do Báo GD&TĐ trao tặng.

Thầy trò ở điểm lẻ Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) đón nhận quà hỗ trợ do Báo GD&TĐ trao tặng.

Những tấm phiếu tự nguyện

Trường Mầm non Trường Thi B, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có gần 500 trẻ. Đầu năm học, ngoài thực hiện các khoản thu, chi theo quy định của tỉnh và thành phố, nhà trường cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp xã hội hóa.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Lan Anh cho biết: Không như nhiều trường xây dựng một mức kêu gọi tự nguyện và giao giáo viên truyền đạt ở cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường có cách làm riêng, được đa số phụ huynh đồng tình.

Trong thời gian nghỉ hè, trường đã báo cáo các cấp thẩm quyền về vấn đề tu sửa cơ sở vật chất, thay quạt trần và đồ dùng cần thiết bị hư hỏng. Tổng số kinh phí của các công việc này hơn 170 triệu đồng. Dù số tiền này so với mặt bằng chung của các trường thành phố không nhiều song thực tế, nhiều phụ huynh của trường chưa khá giả, nên việc huy động ủng hộ với nhà trường vẫn là vấn đề nan giải.

“Kêu gọi sao cho phù hợp và để phụ huynh cảm nhận được sự tự nguyện là điều quan trọng. Nhà trường càng không thể xây dựng kế hoạch xã hội hóa theo mức bình quân, tối thiểu và mang tính ép buộc... Do đó, ban giám hiệu đã bàn bạc, thống nhất với cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng chung sức, tìm cách vận động phù hợp nhất”, cô Lan Anh chia sẻ.

“Với mục đích kêu gọi tinh thần tự nguyện của các bậc phụ huynh, nhà trường làm phiếu Trưng cầu ý kiến, ai có khả năng thì ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít. Nhà trường không đưa ra mức bình quân chung hay mức tối thiểu. Bởi vậy, sau khi kết thúc cuộc họp, phụ huynh đều hài lòng với cách vận động của nhà trường”, cô Lan Anh thông tin.

Sau khi bàn bạc, thống nhất cách vận động, nhà trường lập phiếu “Trưng cầu ý kiến phụ huynh về kế hoạch xã hội hóa giáo dục năm học 2023 - 2024”.

Tại Hội nghị phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của nhà trường, thông tin các khoản đóng góp theo quy định Nhà nước. Đến phần họp bàn về khoản xã hội hóa, phụ huynh được phát tận tay phiếu “Trưng cầu ý kiến phụ huynh về kế hoạch xã hội hóa giáo dục năm học 2023 - 2024”. Giáo viên chủ nhiệm cũng đồng thời giải thích rõ cho phụ huynh biết kế hoạch của nhà trường và vì sao phải vận động xã hội hóa.

Chị Hoàng Lê Thùy Linh - phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) có con học ở trường tâm sự: “Chúng tôi hài lòng về cách vận động kinh phí xã hội hóa của nhà trường. Thực hiện theo cách này là công bằng, dân chủ, đúng theo tinh thần tự nguyện. Người có điều kiện thì góp nhiều, chưa khá giả thì góp ít, không ai phải gồng mình vì phong trào”.

Sau giờ ăn trưa, trẻ ở Trường Mầm non Trường Thi B (TP Thanh Hóa) tự sắp xếp giường ngủ.

Sau giờ ăn trưa, trẻ ở Trường Mầm non Trường Thi B (TP Thanh Hóa) tự sắp xếp giường ngủ.

Thầy cô chung sức, đồng lòng

Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) trước kia thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Do đó, học sinh ở đây được hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp các em có điều kiện đến trường. Tuy nhiên, từ khi Quyết định 861/QĐ-CP của Chính phủ ban hành (ngày 4/6/2021), học sinh, giáo viên xã Thanh Xuân không còn hưởng chế độ như trước.

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng cho biết thêm, trường có 4 điểm (1 điểm chính, 3 điểm lẻ). Từ năm học 2021 - 2022, khi địa phương ra khỏi vùng khó, trường còn 2 điểm lẻ (bản Giá, bản Vui) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy điểm chính và 1 điểm lẻ đã thoát vùng khó, nhưng đời sống bà con còn nghèo, việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh càng khó khăn.

Để khôi phục bếp ăn bán trú ở điểm trường chính, duy trì sĩ số đều đặn, nâng cao chất lượng giáo dục… thầy Viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường quyết tâm kêu gọi xã hội hóa từ nguồn lực bên ngoài (bạn bè, người thân, đơn vị, nhà hảo tâm...). Thậm chí, trường huy động cả nguồn lực từ chính thầy, cô giáo.

“Để bước qua khó khăn đặc thù, nên nhà trường phải linh hoạt, tìm giải pháp xã hội hóa theo cách riêng. Cũng may, do hoạt động xã hội hóa luôn minh bạch, có đích rõ ràng, nhìn thấy kết quả tốt… nên nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan, nhà hảo tâm. Đến nay, trường tổ chức được bữa ăn bán trú cho học sinh ở cả 4 điểm. Các em được tăng cường điều kiện ăn ở, sinh hoạt nên việc duy trì sĩ số, chất lượng giáo dục tiến bộ rõ rệt”, thầy Viên nói.

Cũng theo thầy Viên, thời gian tới, nhà trường sẽ “thử nghiệm” vận động xã hội hóa bằng cách trưng cầu ý kiến phụ huynh. “Gia đình nào hỗ trợ thì dù dăm ba chục nghìn đồng cũng quý. Nhà trường hứa với phụ huynh sẽ sử dụng số tiền ủng hộ đúng mục đích, cố gắng duy trì bữa ăn bán trú cho học trò tốt nhất, hoặc tu sửa, mua sắm đồ dùng, vật dụng để phục vụ học sinh”, thầy Viên tâm sự.

Nhận được ý tưởng và kế hoạch vận động xã hội hóa để tổ chức bán trú cho học trò ở các điểm trường của ban giám hiệu, thầy Hà Văn Tâm và đồng nghiệp đồng lòng ủng hộ. “Tôi và đồng nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết, chung tay kêu gọi từ những mối quan hệ, bạn bè của mình, với phương châm tất cả vì học sinh. Đến đầu năm học này, cả 4 điểm trường đều đã tổ chức bán trú cho học sinh là điều chúng tôi hạnh phúc nhất”, thầy Tâm nói.

Bà Phạm Thị Lượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) nhìn nhận cách vận động xã hội hóa của Trường Tiểu học Thanh Xuân rất hiệu quả, các bậc phụ huynh hài lòng. “Đây là cách làm điển hình, sáng tạo và bằng cả tâm huyết của thầy, cô giáo. Với kết quả hiện tại, không chỉ phụ huynh học sinh, mà cả cơ quan, ban ngành của huyện ghi nhận, đánh giá rất cao”, bà Lượng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.