(GD&TĐ)-Ngày 8/6, dự án tăng cường an toàn giao thông trên các quốc lộ ở phía bắc Việt Nam đã được khởi công tại Thái Nguyên trên đoạn đường dài 80 km đến Hà Nội. Giá trị của dự án này là 6.557 triệu Yên Nhật (tương đương 81 triệu USD) của chính phủ Nhật Bản bằng nguồn ODA sẽ được thực hiện trong 5 năm.
Phối cảnh dự án quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên-Hà Nội |
Dự án được khởi động ở Thái Nguyên là một phần của một dự án an toàn giao thông toàn diện bao gồm 4 đường quốc lộ (quốc lộ 3, 5, 10 và 18) và 10 tỉnh, thành phố tại khu vực miền bắc Việt Nam. Dự án nhằm giảm thiểu số lượng tai nạn và thiệt hại giao thông trên các tuyến đường dự án.
Các hoạt động được thực hiện trong phạm vi dự án bao gồm: công việc xây lắp, lắp đặt đèn chiếu sáng và tín hiệu, nâng cao việc tuân thủ giao thông…. Giáo dục an toàn giao thông và nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho người dân địa phương và những người tham gia giao thông cũng là một trong những hoạt động của dự án này.
Tăng cường an toàn giao thông là một trong những ưu tiên cao nhất trong các hoạt động hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho Việt Nam trong những năm gần đây. Song song với việc cung cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, JICA cũng phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để khởi xướng và thực hiện các dự án hợp tác kỹ thuật liên quan đến an toàn giao thông. Sự kết hợp này phù hợp với tiêu chí “Phát triển toàn diện và năng động” của JICA.
Dự án này đã được triển khai từ năm 2009 với mục tiêu giảm số vụ tai nạn giao thông trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam bao gồm 10 tỉnh, thành phố.
Trong đó, QL 3 từ huyện Đông Anh, Hà Nội - huyện Phú Lương, Thái Nguyên với chiều dài 67 km. QL 5 từ cầu Chui, Hà Nội - Cảng Hải Phòng dài 106 km. QL 10 từ Quảng Ninh - Ninh Bình dài 137 km và QL 18 từ Bắc Ninh - Quảng Ninh dài 160 km.
Dự án này có 4 hợp phần kỹ thuật gồm: kỹ thuật, cưỡng chế, giáo dục, nâng cao nhận thức với tổng vốn đầu tư dự kiến 1032 tỷ đồng, triển khai từ nay cho đến tháng 7/2013 bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.
Hợp phần kỹ thuật có tổng vốn lớn nhất với 723 tỷ đồng do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với mục tiêu xoá các điểm đen bao gồm: nâng cấp các nút giao chính (khoảng 136 nút), cải tạo những nút giao nhỏ (khoảng 68 nút), lắp đặt các thiết bị an toàn tại các điểm giao cắt dành cho người đi bộ - xe đạp; mở rộng làn đường cho xe máy, xe đạp với khoảng 38 km; lắp đặt dải phân cách giữa (khoảng 59 km); bố trí các điểm đón trả khách (174 điểm), mở rộng lề đường (dự kiến 49 km), xây cầu vượt cho người đi bộ trên QL 5 (dự kiến 8 cầu).
Bình Nguyên