(GD&TĐ)-Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 8 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao bất thường như: Đồng Nai (tăng 37,6%), Bạc Liêu (tăng 35,3%), Lai Châu (tăng 23,1%), Lào Cai (tăng 17,6%), Kon Tum (tăng 9,6%), Thái Nguyên (tăng 7,1%), Quảng Ngãi (tăng 6,9%), Hậu Giang (tăng 6,7%).
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2012 của Ủy ban ATGT Quốc gia diễn ra ngày hôm nay (25/6).
Một vụ tai nạn nghiêm trọng |
Trong 6 tháng đầu năm, số vụ TNGT đã xảy ra 17.886 vụ tai nạn giao thông: Đường bộ: xảy ra 17.557 vụ, làm chết 4.758 người, bị thương 19.818 người. So với cùng kỳ năm 2011 giảm 4879 vụ (-21,2%); giảm 960 người chết (-16,9%), giảm 5481 người bị thương (- 21,4%). Tai nạn đặc biệt nghiêm trọng: xảy ra 38 vụ, làm chết 117 người, bị thương 93 người. Va chạm giao thông: Xảy ra 12.151 vụ, bị thương nhẹ 15.920 người. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 80%. |
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2012 toàn quốc xảy ra 17.886 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.953 người vµ bị thương 19.977 người. So với cùng kỳ năm 2011 giảm 4.931 vụ (- 21,63 %), giảm 992 người chết (- 16,69 %), giảm 5.513 người bị thương (-21,63 %).
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Một số tỉnh, thành phố đã đổi mới và quyết liệt trong việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Thái Bình. Các tỉnh, thành phố ban hành các quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc, buổi trưa các ngày làm việc tiêu biểu như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Tp Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Giang….; Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện tịch thu mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều cải thiện tích cực sau khi UBND thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, như: cấm một số loại phương tiện hoạt động trên một số tuyến trong giờ cao điểm, đổi giờ làm việc, học tập; cấm việc kinh doanh điểm đỗ, cấm đỗ xe trên một số tuyến phố; phân làn, phân tuyến; đưa vào sử dụng một số cầu vượt nhẹ tại các nút thường xuyên ùn tắc. Nhờ đó , bước đầu đã giảm trên 30% tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, tại một số tuyến, nút giao trọng điểm vẫn còn hiện tượng ùn ứ vào buổi chiều do phương tiện tăng cao, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán vẫn xảy ra; một số khu vực trông giữ xe đạp xe máy trái phép, thu tiền quá giá quy định còn phổ biến ảnh hưởng đáng kể đến việc đi lại của người dân và trật tự giao thông đô thị.
Tuy nhiên vẫn còn 8 tỉnh, thành phố cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm vì có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao bất thường như: Đồng Nai (tăng 37,6%), Bạc Liêu (tăng 35,3%), Lai Châu (tăng 23,1%), Lào Cai (tăng 17,6%), Kon Tum (tăng 9,6%), Thái Nguyên (tăng 7,1%), Quảng Ngãi (tăng 6,9%), Hậu Giang (tăng 6,7%). Một số tỉnh tai nạn giao thông có xu hướng tăng dần như Hải Dương, Hòa Bình, Lai Châu, Kon Tum, Đaknông, Đaklak, Kiên Giang, Nghệ An, trong đó Đồng Nai và Bến Tre là hai tỉnh có số người chết vì TNGT tăng trong 3 tháng liên tiếp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các đề án như nâng cao chất lượng công tác đăng ký, gấp giấy phép lái xe, phát triển phương tiện vận tải công cộng, xoá “điểm đen” TNGT, triển khai thay mới các biển báo đường bộ đã xuống cấp, xử lý nghiêm các phương tiện chở khách quá tải, nhất là dịp lễ tết, thi cử, bảo đảm an toàn cho các công trình giao thông mùa lũ…
Bộ Công an tập trung huy động tối đa lực lượng và phương tiện kỹ thuật, thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Công an các địa phương cần nhân rộng mô hình Tổ 141Y của Hà Nội và đội đặc nhiệm của An Giang để phòng chống tội phạm và bảo đảm ATGT. Tiến hành kiểm tra, xử lý nghiệm cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vi phạm pháp luật với các hành vi như chung chi, nhận hối lộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành liên quan đến công tác ATGT… nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về công tác đảm bảo TTATGT.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý việc chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm cho những người thiệt mạng vì TNGT vào ngày 17/11 trong phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị lần này, Uỷ ban ATGT quốc gia phát động trong toàn quốc cuộc vận động không uống rượu bia trong giờ hành chính và buổi trưa để hạn chế tai nạn khi tham gia giao thông với nhiều hình thức phong phú, thiết thực cùng các biện pháp đồng bộ và hình thức xử phạt nghiêm khắc các vi phạm.
Xuân Hương