Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá một xu hướng đáng mừng hiện nay là có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Vẫn nhiều trở ngại
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Công Thương cũng cho rằng, quá trình thực hiện cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại.
Điểm đáng kể nhất là chương trình hành động vẫn chưa đồng đều tại nhiều địa phương. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn này.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Đại diện một số doanh nghiệp lớn cũng cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động rộng rãi trong cả nước rất có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để cuộc vận động được triển khai bền vững cần phải xét đến chi phí cho doanh nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp tham gia chương trình phải chi phí rất lớn như phí vận chuyển, phí bán hàng và người quản lý.
Để giảm chi phí này cho cộng đồng các doanh nghiệp, đại diện nhiều doanh nghiệp đề xuất Nhà nước nên hình thành các trung tâm đầu mối phân phối tại các trung tâm kinh tế, thành phố lớn.