60/63 tỉnh, thành có cơ sở đào tạo ngành y dược

60/63 tỉnh, thành có cơ sở đào tạo ngành y dược

   Nội dung chất vấn:

1. Hiện nay trong xã hội rất bất hợp lý trong vấn đề đào tạo và tuyển dụng. Các thí sinh dự thi vào Trường Đại học Y, điểm vào trường rất cao? Nhiều em thi trượt phải đi học trung cấp hoặc đại học dân lập. Như vậy đã xảy ra hiện tượng: Thí sinh đạt 27 điểm trượt đại học; Thí sinh đạt 15 điểm đỗ đại học. Trong khi đó các bệnh viện vẫn thiếu bác sỹ chính quy. Vậy xảy ra hiện tượng các tỉnh hầu hết đều mở trường Trung cấp Y, các bệnh viện cử Trung cấp đi học Đại học Y. Cử tri cũng thấy lo ngại về chất lượng đào tạo bác sỹ theo hướng này. Xin Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết như thế nào cho  phù hợp và đào tạo được bác sỹ giỏi và tâm huyết với nghề.

2. Hiện nay các tỉnh đều mở trường Trung cấp Y, có các chuyên ngành đào tạo trong đó sinh viên ra trường hầu hết là học và cấp bằng y tá điều dưỡng.Thực tế trong các doanh nghiệp có cần y sỹ, trong các trường học cần tuyển y sỹ học đường. Sinh viên của các trường Trung cấp Y không thể tuyển dụng được. Vậy các em không có cơ hội tìm việc làm tại quê hương mình phải lên thành phố lớn để làm thuê tại các phòng khám tư nhân. Đây là những bất cập đã tồn tại nhiều năm mà chưa có hướng giải quyết. Tâm trạng của gia đình và của sinh viên rất hoang mang sau khi con em mình học xong,  khi ra trường. Xin Bộ trưởng cho biết các kênh thông tin, giúp việc cho Bộ trưởng về vấn đề mở trường, đào tạo, tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đã có được thông tin này chưa? Xin Bộ trưởng vui lòng cho đại biểu rõ thêm về quan điểm và hướng xử lý vấn đề đại biểu cũng như cử tri quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau: 

1. Hiện nay, cả nước có 14 Trường Đại học Y, Đại học Dược, Đại học Y-Dược, học viện chuyên ngành (gọi chung là trường Đại học Y Dược) (không kể 5 Khoa Y và Điều dưỡng trong 5 trường đại học đa ngành), chiếm tỉ lệ 8% so với tổng số trường đại học; 33 trường cao đẳng Y, cao đẳng Dược, chiếm tỉ lệ 14,2% so với tổng số trường cao đẳng; 19 cơ sở đào tạo sau đại học Y Dược, chiếm tỉ lệ 13,4% so với tổng số cơ sở đào tạo sau đại học cả nước, trong đó có 17 cơ sở đào tạo tiến sĩ (10 trường đại học và 7 Viện nghiên cứu) và 2 trường đại học đào tạo thạc sĩ; 42 trường trung cấp Y, trung cấp Dược và cơ sở dạy nghề y tế.

Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2009, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào 14 trường đại học Y Dược là 71.115, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh của 14 trường này là 8.120. Như vậy, cứ xấp xỉ 9 hồ sơ đăng kí dự thi, có 1 thí sinh trúng tuyển. Hơn nữa, thí sinh đăng kí dự thi vào các trường đại học Y Dược thường có học lực khá trở lên, khi xét tuyển, các trường căn cứ kết quả thi của thí sinh trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển trên nguyên tắc lấy từ thí sinh có kết quả thi cao nhất trở xuống cho đủ chỉ tiêu đã xác định, do vậy, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học Y Dược thường rất cao, có năm Trường Đại học Y Hà Nội, có điểm trúng tuyển đến 27 điểm/3 môn thi (không nhân hệ số), để trúng tuyển thí sinh phải đạt bình quân 9 điểm/1 môn thi.

Điều đó cũng có nghĩa là, những thí sinh có kết quả thi từ 26,5 điểm trở xuống có thể không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng những thí sinh này vẫn còn 2 cơ hội để tham gia đăng kí xét tuyển nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 vào các trường đại học khác còn chỉ tiêu và cùng khối thi, vì có kết quả thi cao, nên khả năng trúng tuyển là rất lớn. Chỉ một số trường hợp cá biệt, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường đại học Y Dược đã dự thi, nhưng chỉ có nguyện vọng học tại các trường này, mà không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào các trường đại học khác, nên có hiện tượng là thí sinh 26,5 điểm không đỗ đại học. Nhưng ngược lại, có thí sinh chỉ cần 15 điểm là trúng tuyển đại học không phải ngành Y Dược như đại biểu đã nêu.

* Theo thống kê, đến nay cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học Y Dược (đạt tỉ lệ 95,2%), còn 3 tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nhân lực y tế là tỉnh Đăk Nông thuộc vùng Tây Nguyên, tỉnh Bình Phước thuộc vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Hậu Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có 7 tỉnh, thành phố có cơ sở đào tạo sau đại học Y Dược (đạt tỉ lệ 9,5%); có 10 tỉnh, thành phố có trường đại học Y Dược (đạt tỉ lệ 15,9%); 31 tỉnh, thành phố có trường cao đẳng Y Dược (đạt tỉ lệ 49,2%) và 34 tỉnh, thành phố có trường trung cấp Y tế (đạt tỉ lệ 54%).

Đội ngũ khám chữa bệnh được phân công theo thang bậc gồm: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Cơ cấu tổ chức trong một bệnh viện đều cần tất cả các nhân viên có trình độ từ thấp đến cao. Đối với những thí sinh không đủ điều kiện để dự thi cao đẳng hoặc đại học thì sẽ theo học các trình độ sơ cấp, trung cấp. Khi có điều kiện về nghề nghiệp sẽ phấn đấu vươn lên học các trình độ cao hơn như cao đẳng và đại học theo hình thức đào tạo liên thông theo Quyết định số 06/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.

Trong Quyết định này đã quy định rõ các tiêu chí về đối tượng đào tạo liên thông, điều kiện và thẩm quyền đào tạo liên thông, tuyển sinh, đào tạo liên thông, nhiệm vụ và quyền hạn của trường tổ chức đào tạo liên thông. Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học tiếp trình độ cao hơn cùng ngành nghề.

Hiện nay, một số ngành khó tuyển được bác sĩ hệ chính quy như: Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Y học dự phòng, do tác động của thị trường lao động và chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn. Vì vậy các bệnh viện phải cử cán bộ đang làm việc đi học nâng cao trình độ chuyên khoa, khi trở về phục vụ chính bệnh viện đó. Do vậy, loại hình đào tạo này vẫn phải duy trì ít nhất tới năm 2020 để đảm bảo nhân lực trong ngành Y. Nếu không có loại hình đào tạo liên thông này, các bệnh viện tuyến huyện và trạm Y tế tuyến xã sẽ không có bác sĩ để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Về việc tuyển dụng học sinh của các trường Trung cấp Y

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, từ năm 2002 tất cả các trường y tế thuộc vùng đồng bằng và các thành phố lớn không tổ chức đào tạo Y sỹ đa khoa, chỉ có 12 trường địa phương thuộc địa bàn miền núi được phép đào tạo Y sỹ. Chính vì thế từ năm 2002 đến nay, một số địa phương không có nguồn tuyển dụng đối tượng này. Trước nhu cầu thực tế về Y sỹ làm việc tại các cơ sở y tế cấp xã phường, các doanh nghiệp, trường học…năm 2009, Bộ Y tế đã chỉ đạo các trường Y tế tái đào tạo Y sỹ trung cấp (không phải y sỹ đa khoa như trước kia) trong thời hạn 2 năm như quy định của Luật giáo dục và cộng thêm 6 tháng định hướng chuyên khoa để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thời gian gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Bộ Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các trường đào tạo Y sỹ trung cấp và định hướng chuyên khoa. Đối với những trường Y tế chưa đăng ký đào tạo ngành này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế để chỉ đạo các trường khảo sát nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị đội ngũ thầy cô giáo và cơ sở vật chất để đăng ký mở ngành đào tạo để kịp đáp ứng nhu cầu nhân lực.

* Các kênh thông tin trong việc mở trường, đào tạo, tuyển dụng sau tốt nghiệp

Căn cứ theo Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp, việc mở trường do UBND tỉnh quyết định căn cứ theo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào công văn của UBND tỉnh, hồ sơ thành lập trường  để có văn bản thỏa thuận với UBND tỉnh.

Ngành y tế là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng, do vậy việc đào tạo của trường trung cấp Y đều phải  tuân theo quy trình và thủ tục mở ngành đào tạo nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phải đáp ứng các tiêu chuẩn đào tạo do Bộ Y tế ban hành.

Theo quy định mở ngành đào tạo hiện hành, UBND tỉnh phải khẳng định ngành định đào tạo phải có nhu cầu nhân lực, mục tiêu đào tạo (chuẩn đầu ra), và vị trí việc làm có thể sau khi tốt nghiệp, điều kiện đảm bảo chất lượng (kể cả trường công và trường tư). Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cùng cử các chuyên gia, cán bộ kiểm tra trực tiếp điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo và trình Bộ trưởng cho phép đăng ký mở ngành đào tạo và tuyển sinh khi nhà trường đáp ứng các điều kiện. Sau khi được phép đào tạo, nhà trường phải tuân thủ các quy chế đào tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện quy chế đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo thay mặt UBND tỉnh kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về tuyển sinh và đào tạo. 

Như vậy, việc mở ngành đào tạo trong lĩnh vực Y tế có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và UBND tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. 

Liên quan đến việc tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các cơ sở đào tạo phải công khai công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp. Điều này, buộc các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm với người học, đồng thời qua đó biết được chất lượng đào tạo của nhà trường, cũng như khuynh hướng tuyển dụng chung trên thị trường lao động. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, các trường TCCN tổ chức tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh vào học TCCN và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hệ thống thông tin thị trường lao động ở Trung ương mới được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Một vài tỉnh thành lập trung tâm  dự báo và thông tin thị trường lao động nhưng chưa giúp được nhiều công tác hướng nghiệp. Do vậy, có không ít trường hợp người học thiếu thông tin dẫn đến chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực và nhu cầu của thị trường lao động địa phương, hiện tượng bất cập giữa cung và cầu vẫn xảy ra. 

* Quan điểm và hướng xử lý các vấn đề nêu trên

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đào tạo nhân lực phải đảm bảo chất lượng để có thể có việc làm trong thị trường lao động trong và ngoài nước. Chuyển mạnh hệ thống đào tạo dựa trên khả năng cung sang đào tạo theo nhu cầu – tức không có nhu cầu thì không đào tạo. Đối với các trường trung cấp tại địa phương, trách nhiệm của UBND và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương hết sức quan trọng vừa đảm bảo nguồn lực cho giáo dục, vừa theo dõi giám sát các hoạt động giáo dục trên địa bàn. Trách nhiệm này đã được quy định tại Điều lệ trường Trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Để giảm thiểu hiện tượng đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mạnh mẽ công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội từ 3 năm qua, chuyển hướng đào tạo theo hợp đồng, đào tạo theo địa chỉ và yêu cầu các trường phải rất năng động đổi mới chương trình, phương pháp dạy, đầu tư cơ sở vật chất, quan hệ chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng để đảm bảo đầu ra tốt nhất cho sinh viên tốt nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông cần phải làm tốt hơn nữa để người học biết được thông tin của cả bên cung lẫn bên cầu và có quyết định đúng đắn khi chọn ngành nghề. 

Về đáp ứng nhanh nhân lực Y sỹ có trình độ trung cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo căn cứ theo nhu cầu sử dụng nhân lực tại địa phương và nhu cầu người học để đào tạo văn bằng hai cho những người đã tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng với thời hạn 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoặc cơ sở có nhu cầu tuyển dụng Y sỹ nhưng ở địa phương không có nguồn tuyển, thì có thể liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để được giúp đỡ. 

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.