Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Tạo động lực cho các trường phát triển

GD&TĐ - Luật Giáo dục đại học đi vào cuộc sống đã tạo thuận lợi cho các trường điều hành hoạt động, tuy nhiên Luật cũng thể hiện những bất cập cần sớm sửa đổi. 

Sửa đổi Luật Giáo dục đại học:  Tạo động lực cho các trường phát triển

Việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học là khắc phục những hạn chế để phát triển giáo dục đại học, tạo hành lang pháp lý để các trường hoạt động tốt, đồng thời tăng cường năng lực tự chủ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên quan đến các nội dung sửa đổi, báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội.

Thưa ông, Luật Giáo dục đại học đến nay đã thể hiện những bất cập cần sớm được sửa đổi. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Một bộ luật từ khi hình thành cho đến ban hành đều đã được nghiên cứu, điều chỉnh để Luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo thời gian, Luật sẽ có những bất cập vì những biến đổi của thời gian khiến tính thực tế giảm. Luật Giáo dục đại học cũng vậy, sau một thời gian ban hành Luật cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hơn. Luật cần được rà soát ở tất cả các điều, khoản, từ đó phân loại những nội dung những gì bất hợp lý, bất cập, đồng thời đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung đáp ứng thực tiễn cuộc sống.

Vậy theo ông cần sửa đổi đáp ứng những mục tiêu gì?

Tôi đánh giá cao quan điểm của Bộ GD&ĐT về các nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đại học lần này. Trong đó, Bộ tập trung vào những nội dung đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo yêu cầu “sửa đổi, bổ sung một số điều chứ không phải sửa đổi, bổ sung để thay thế Luật Giáo dục đại học hiện hành”. Các điều khoản được sửa đổi như Dự thảo đưa ra đều đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả theo hướng giải quyết vấn đề/nút thắt thực hiện đổi mới giáo dục đại học, thực hiện tốt tự chủ đại học, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển giáo dục đại học.

Một điều nữa tôi cũng đánh giá rất cao là nội dung sửa đổi Luật Giáo dục đại học được làm hết sức công phu và bài bản. Các nội dung bổ sung, sửa đổi là trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành việc thực hiện trong 5 năm qua, nhận diện rõ vướng mắc từ thực tế để sửa đổi, bổ sung; đánh giá tác động của các nội dung sửa đổi, bổ sung đối với thực tiễn. Cụ thể, Luật sửa đổi đã phản ánh đúng hoạt động của thị trường lao động (bậc cao), nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để xem xét các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung trong các điều của Luật Giáo dục đại học.

Có một điểm mới của Luật sửa đổi lần này là ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đã đề cập đến vấn đề hội nhập quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự sáng tạo cho các cơ sở giáo dục đại học.

Trong quá trình thực hiện, từ việc xây dựng đến hoàn thiện Dự thảo đều đã mang tính cầu thị cao, đã huy động sự tham khảo ý kiến rộng rãi trong xã hội, sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý, nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt có chọn lọc kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học của các nước tiên tiến trên thế giới để nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học Việt Nam theo chuẩn mực của các nền giáo dục đại học tiên tiến.

Các nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đại học như vậy đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của các nhà trường, thưa ông?

Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học sẽ bao gồm 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua như sau: Nhóm chính sách 1: Tự chủ đại học; Nhóm chính sách 2: Quản trị đại học; Nhóm chính sách 3: Quản lý đào tạo; Nhóm chính sách 4: Quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, thể hiện đầy đủ các yêu cầu cần thiết để giáo dục đại học phát triển.

Việc luật hóa các nội dung quan trọng của 4 nhóm chính sách nêu trên đã thể hiện quyết tâm và trí tuệ để Luật Giáo dục đại học sửa đổi phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn. Tôi cho rằng, từ giờ đến khi Luật sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua và ban hành, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, các cơ quan thực thi sửa đổi cần tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia một cách đa chiều, để bổ sung những nội dung cần thiết khác ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua. Các nội dung bổ sung cần được bám sát vào 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội cho ý kiến.

Xin chân thành cám ơn ông!

Sửa đổi Luật Giáo dục đại học:  Tạo động lực cho các trường phát triển ảnh 1 
“Từ thực tế điều hành một trường đại học, tôi cũng mong rằng lộ trình thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và chất lượng để Luật sửa đổi ban hành đảm bảo hội tụ đầy đủ những căn cứ pháp lý, thực sự là hành lang pháp lý vững chắc, tạo ra sự đột phá, giúp các trường đại học ổn định hoạt động, lớn mạnh hơn nữa, góp phần phát triển giáo dục đại học, đưa giáo dục Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với các nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới”.

TS Trương Tiến Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.