Rôm sảy là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè. Nguyên nhân là bởi thời tiết nóng nực khiến trẻ tiết nhiều mồ hôi nhưng lại không thoát ra hết, ứ đọng trong ống tuyến bã. Chất nhờn bít kín khiến da nổi nhiều nốt đỏ, lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám hoặc có khi dày đặc. Nếu trẻ gãi nhiều thì vùng da tổn thương sẽ bị ửng đỏ.
Để phòng nguy cơ bị rôm sảy cho con, bố mẹ cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và giữ vệ sinh da cho trẻ. Không nên cho con ăn những loại thức ăn cay, nóng như ớt, tỏi, hạt tiêu... Hạn chế ăn đường, đồ nếp, các loại hoa quả tính nóng như xoài, nhãn, vải, mít... Tăng cường các loại đồ ăn có tính mát.
Khi trẻ không may bị rôm sảy, bố mẹ có thể dùng các loại nước lá để tắm cho con. Phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả khá nhanh và an toàn nếu như bố mẹ áp dụng đúng cách.
1. Lá khế
Loại lá này được nhiều bà mẹ dùng để trị rôm sảy cho bé bằng cách nấu nước tắm. Vì khế có vị chua, có tác dụng tán nhiệt giải độc, được dùng để chữa trị các loại mụn nhọt, mề đay, ngứa do dị ứng...
Nguyên liệu để nấu một nồi nước tắm lá khế gồm:
- Một nắm lá khế, tách bỏ các phần gân xương thừa của lá sau đó rửa sạch.
- Một ít muối.
Cho lá khế và muối vào nồi đun sôi khoảng 5 phút thì bỏ bã và chắt nước ra chậu lớn, pha cùng nước lạnh với tỷ lệ vừa phải để đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho bé tắm, nên tắm khoảng 3 lần/tuần.
Thực hiện khoảng 3-4 lần, mẹ sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, cũng không nên tắm nước lá khế quá thường xuyên vì lá khế có nhựa sẽ làm da bé xỉn màu.
2. Lá tía tô
Lá tía tô có mùi thơm, vị cay nhẹ, tính ấm, tác dụng sát trùng, giải độc, kích thích ra mồ hôi nên thường được dùng để chữa ho, sốt cao, ngứa da, viêm da cơ địa, rôm sảy, mề đay mẩn ngứa. Lá tía tô cũng là một loại lá có tác dụng giải nhiệt, làm mát rất tốt.
Mỗi tuần, mẹ lấy lá tía tô đem nấu thành nước tắm cho bé một lần, vài lần như vậy sẽ thấy tình trạng rôm sảy giảm dần rồi hết hẳn.
Cách nấu nước tắm bằng lá tía tô cũng rất đơn giản. Cần chuẩn bị một nắm lá tía tô đem rửa thật sạch với muối cho hết bụi bẩn và lông tơ trên lá để tránh gây kích ứng cho làn da mỏng manh và nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Sau đó, cho toàn bộ phần lá trên vào máy xay sinh tố để xay nát, dùng rây lọc ra nước cốt để nấu nước tắm cho trẻ. Nếu không xay, mẹ có thể để nguyên lá nấu nước tắm, sau đó vớt sạch phần lá đi là được.
3. Mướp đắng
Công dụng đầu tiên của mướp đắng được kể tới với khả năng thanh nhiệt giải độc, mụn nhọt, giúp cơ thể thanh mát. Sử dụng mướp đắng thường xuyên giúp kích thích ăn uống cũng như hệ tiêu hóa vô cùng hiệu quả.
Khi bé bị rôm sảy, mẹ cũng có thể dùng mướp đắng để nấu nước tắm cho bé, sẽ đạt được hiệu quả tuyệt vời.
Mỗi lần tắm cho bé, mẹ chỉ cần lấy khoảng 2 quả mướp đắng cỡ vừa, tươi, rửa sạch rồi đem giã nát hoặc xay rồi lọc lấy nước pha vào chậu nước cho bé tắm. Làn da của bé sẽ nhanh chóng trở nên mát dịu, các nốt rôm sảy dần biến mất.
4. Lá chè xanh
Lá chè xanh là loại dược liệu có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, thường được nhiều gia đình sử dụng nấu nước uống hàng ngày giúp thanh nhiệt giải độc, chống oxy hóa và nâng cao sức khỏe.
Y học hiện đại cũng đã chỉ ra, thành phần hoạt chất bên trong lá chè xanh có tác dụng rất tốt đối với làn da, đặc biệt là những người đang mắc các bệnh lý về da liễu, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và hỗ trợ cải thiện bệnh.
Theo các nghiên cứu đã cho thấy trong lá trà xanh có chứa hàm lượng rất cao hoạt chất epigallocatechin gallate (EGCG) có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn rất tốt. Do đó mà nhiều người thường dùng lá chè xanh để chữa rôm sảy cho con.
Để nấu nước tắm chè xanh, các mẹ mua chè về sửa sạch, vò rát rồi trộn chung với một chút muối, hãm qua một lần nước sôi rồi bỏ phần nước đầu đó đi.
Sau đó, các mẹ đổ thêm lần nước thứ hai vào rồi đồi đun sôi cùng lá trà xanh. Đợi nước nguội dần thì các mẹ dùng khăn mềm, sạch thấm nước lá chè xanh rồi lau nhẹ nhàng và rửa những vùng bị rôm sảy hoặc tắm trực tiếp cho bé.
5. Lá kinh giới
Loại rau gia vị này có mùi thơm dễ chịu, vị cay, tính ấm, có chứa tới 1% tinh dầu, trong đó có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng chữa bệnh.
Theo Đông y, kinh giới có tác dụng tiêu độc, cầm máu… Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng sát khuẩn tốt, làm sạch da. Tắm nước lá kinh giới cũng có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị rôm sảy cho trẻ.
Mẹ chỉ cần chuẩn bị một nắm lá kinh giới tươi, rửa thật sạch rồi đem giã nhỏ, chắt lấy nước cốt rồi pha vào nước đun sôi cho bé tắm 2 lần/ngày.
6. Lá dâu tằm
Với công dụng tản nhiệt, lá dâu tằm là một loại lá tắm rất tốt để điều trị bệnh rôm sảy cho các bé, đồng thời loại lá này cũng ít gây kích ứng da.
Trước khi nấu nước tắm cho con, các mẹ nên ngâm lá dâu tằm với nước muối, sau đó đem rửa sạch để loại bỏ những thành phần bụi bẩn. Sau đó, mẹ cho lá vào một túi vải lớn, cho vào nồi đổ đầy nước, đun sôi rồi tắt bếp. Mẹ pha nước lá dâu tằm với nước lạnh đến khi đạt nhiệt độ vừa phải thì cho bé tắm.
Mẹ tắm liên tục cho con trong khoảng 3-5 ngày sẽ giúp ngăn chặn các mụn rôm mới mọc, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cũng không còn.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng lá tắm cho bé:
- Cần xác định da bé thuộc loại da gì, có nên tắm lá hay không hoặc chọn loại lá tắm phù hợp.
- Vì các loại lá này chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn gây hại, thậm chí là thuốc trừ sâu trên mặt lá. Một số loại lá còn có lông tơ, có thể gây kích ứng da của con nên bố mẹ cần ngâm rửa các loại lá với nước muối hoặc thuốc tím thật sạch trước khi xay, giã hoặc đun nấu.
- Tắm cho bé bằng sữa tắm chuyên dụng trước vì nước lá không thể hoà tan chất nhờn trên da, chúng chỉ có thể làm mát hoặc cung cấp kháng sinh tự nhiên.
- Không được đun nước lá quá đặc vì lượng tinh bột của lá có thể đọng lại trên da con, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng.
- Bố mẹ nên tráng lại bằng nước ấm cho con sau khi tắm nước lá để rửa trôi lượng bột của lá có thể còn đọng lại trên da bé, gây nhiễm khuẩn.
- Khi da của con có dấu hiệu bị trầy xước, mưng mủ, sưng đỏ hay viêm nặng, bố mẹ tuyệt đối không tắm nước lá cho con. Nguyên nhân là do khi da đã trong tình trạng này thì da đã mất lớp màng bảo vệ, việc tắm lá dù đã qua đun nấu vẫn có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên và có thể gây những biến chứng không ngờ.
- Với trẻ có da mẫn cảm hoặc gia đình có tiền sử dị ứng, nên nấu nước lá cho trẻ thử một chút trên tay và theo dẽo, nếu không có phản ứng gì mới nên cho trẻ tắm.