Đó là một nội dung quan trọng trong quy định của Chính phủ vừa ban hành về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội sẽ tăng lên 270.000 đồng, thay vì 180.000 đồng theo quy định cũ.
Ảnh minh họa |
Nghị định này quy định về chính sách trợ giúp xã, mức trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng và các mức trợ giúp xã hội khác.
Cụ thể, các đối tượng dưới đây được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng từ 1,0 đến 3,0 tùy theo đối tượng. Trong đó, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng.
6 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm:
1 - Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật...
2 - Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp nêu trên mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
3 - Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.
4 - Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 - 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người đơn thân nghèo đang nuôi con).
5 - Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp: người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
6- Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Cấp thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội
Nghị định cũng quy định 7 đối tượng bảo trợ xã hội được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm: Đối tượng 1, 2, 3 và 5 nêu trên; con của người đơn thân nghèo; người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác mà chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chế độ trợ giúp xã hội đột xuất với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể, hỗ trợ 15 kg gạo/người đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch.
Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 3 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác.
Hỗ trợ người bị thương nặng
Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú, hoặc ngoài nơi cư trú được xem xét hỗ trợ với mức bằng 10 lần mức chuẩn
trợ giúp xã hội quy .
Trường hợp người bị thương nặng ngoài nơi cư trú, không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức quy định.
Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Trường hợp được trợ cấp xã hội đột xuất
Nghị định quy định rõ, hỗ trợ 15kg gạo/người đối với tất cả các thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch; hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 3 tháng cho mỗi đợt trợ giúp cho các hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác.
Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú; người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc được xem xét hỗ trợ với mức bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội. Những đối tượng này bị chết thì được xem xét hỗ trợ chi phí mai tháng với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở, hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc bất cứ lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ.
Hộ phải di dời nhà khẩn cấp do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ.
Hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ.
Nghị định cũng quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội; hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.
Theo Vnmedia