5 trường chuyên lọt vòng chung kết thi hùng biện tiếng Anh Speak to Lead

GD&TĐ - Vượt qua 20 đội thi đến từ các trường THPT chuyên toàn quốc sau 5 ngày thi từ 12-19/9 vừa qua, 5 đội xuất sắc nhất sẽ góp mặt trong trận chung kết cuộc thi Speak to Lead diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Đội thi Trường THPT chuyên Chu Văn An - Lạng Sơn.
Đội thi Trường THPT chuyên Chu Văn An - Lạng Sơn.

5 đội của 5 trường lọt vòng chung kết bao gồm: THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn), THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông), THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) và THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng).

Chủ đề của vòng 2 là “Quá trình hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và những triển vọng phát triển tương lai”. Theo đánh giá của ban giám khảo, 5 đội thi được lựa chọn vào vòng chung kết đều là những đội thi đã thể hiện tốt quan điểm cho các chủ đề hùng biện, trình bày mạch lạc, nội dung chất lượng, khả năng làm việc nhóm tốt và quan trọng nhất là khả năng hùng biện bằng tiếng Anh lưu loát.

Theo đó, tại cụm thi thứ nhất, đội thi trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) tạo được ấn tượng với ban giám khảo nhờ khả năng biểu đạt ngôn ngữ cơ thể trong quá trình hùng biện, đồng thời đội thi này đã có phần trả lời phản biện xuất sắc khi nhận được đến 2 câu hỏi từ đội đối thủ về sự hợp tác trong khác biệt văn hóa và sự cách biệt giữa kinh tế giữa hai nước. Các bạn đã tự tin đề cập các điểm khác biệt giữa văn hóa hai nước, cơ hội khi hai nước trong hợp tác kinh tế và khẳng định mọi khoảng cách hay khác biệt sẽ được xóa nhòa dựa trên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Tại cụm thi số 2, nhóm 3 cô gái đến từ đội THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) đã tạo ra ấn tượng ngay từ phần giới thiệu sáng tạo, hùng biện mạch lạc kết hợp trình chiếu hình ảnh và khả năng làm việc nhóm nhịp nhàng. Đại diện đến từ Lạng Sơn đặc biệt nhấn mạnh đến sự trao đổi văn hóa, sứ mệnh của những người trẻ trong việc tạo ra nhiều hơn sự kết nối, tăng cường sự hiểu biết giữa hai quốc gia, vượt qua những định kiến và quá khứ. Đề xuất thú vị của đội này là thông qua công nghệ, ứng dụng điện thoại để trao đổi văn hóa hai nước. Với đề xuất này, đội Lạng Sơn tin rằng có thể mang hai nền văn hóa lại gần nhau hơn.

Tại cụm thi số 3, THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông) đã có phần hùng biện với góc tiếp cận là vấn đề môi trường kèm hình ảnh minh họa sinh động. Theo đó, ba nữ sinh đến từ Đắk Nông đã dẫn dắt phần hùng biện từ vấn đề toàn cầu là bảo vệ môi trường đến mở ra cơ hội hợp tác thông qua các dự án nghiên cứu chung cho giới trẻ hai nước, từ đó gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ và gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau. Đội này cũng nhận được câu hỏi phản biện cực khó từ giám khảo Gabriel Hurst, đó là: “Chúng tôi có thể học được gì từ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường?”. Và câu trả lời của các bạn là “tinh thần Việt” - điều đã giúp dân tộc Việt Nam truyền cảm hứng và đoàn kết vượt qua những khó khăn, điển hình là trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Đội chiến thắng cụm thi số 4 là trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) đã thể hiện được sự hiểu biết về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ góc nhìn và lịch sử hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và sự kết nối thông qua các nền tảng mạng xã hội. Với sự tiếp cận và phát triển công nghệ nhanh chóng của Việt Nam, đại diện tỉnh Lai Châu đã tìm thấy những cơ hội hợp tác giữa hai nước đồng thời khẳng định vai trò đại sứ của mình trong việc phát triển quan hệ hai nước.

Chọn góc độ tiếp cận là sự trao đổi giáo dục, thông qua những thành tựu đạt được giữa hai nước trong lĩnh vực này, trường THPT chuyên Cao Bằng (Cao Bằng) đã là đội chiến thắng cụm thi số 5, giành tấm vé cuối vào chung kết Speak to Lead. Đặc biệt, đội Cao Bằng đã đề xuất dự án “Món quà - Gifts”, một dự án vô cùng ý nghĩa, trong phần hùng biện của mình. Đây là dự án phi lợi nhuận, bán các sản phẩm thủ công tới cộng đồng, dưới sự hỗ trợ của cộng đồng học sinh sinh viên hai nước thông qua nền tảng mạng xã hội và ứng dụng điện thoại, nhằm tìm kiếm nguồn hỗ trợ việc học cho học sinh nghèo. Với việc trao đổi các sản phẩm truyền thống cùng tinh thần chung trong hỗ trợ phát triển giáo dục, đội Cao Bằng tìm thấy cơ hội kết nối giữa thế hệ trẻ hai quốc gia.

Không chỉ hùng biện với phong thái tự tin, lưu loát, nhiều phần hùng biện được đầu tư kĩ lưỡng về mặt nội dung và cách thức thể hiện đã nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo.

Nhận xét về phần thi của các đội thi tại vòng 2, ông Gabriel Hurst, Phó Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, cho biết: “Các đội thi đấu trong vòng 2 đáp ứng được kì vọng của ban giám khảo khi thể hiện được đam mê, hiểu biết, mang đến những bài thuyết trình rất tâm huyết, hấp dẫn và súc tích. Một số đội thi được chúng tôi đánh giá nổi bật hơn so với các đội còn lại nhờ cấu trúc bài thuyết trình mạch lạc, khả năng làm việc nhóm, thể hiện được kiến thức chuyên đề sâu sắc và giải thích về ý nghĩa kỉ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ dưới góc nhìn riêng một cách thú vị”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.