Cục Thống kê TPHCM cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 229.418 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ; trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng góp phần thu nội địa tăng 25,3%.
Đáng chú ý, các khoản thu về nhà, đất đóng góp hơn 5.889 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,6% trong tổng thu ngân sách của thành phố.
So với cùng kỳ năm ngoái, các khoản thu về nhà, đất đã tăng khoảng 47% (cùng kỳ năm trước, khoản thu này chỉ đạt 4.000 tỷ đồng).
5 tháng đầu năm, TPHCM thu được 5.889 tỷ đồng từ đất đai. Ảnh: Quốc Hải |
Năm nay, TPHCM dự tính thu trên 35.000 tỷ đồng từ đất đai. Trong đó, nguồn thường xuyên là thu thuế trong mua bán chuyển nhượng nhà đất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM trong phiên họp kinh tế Thành phố tháng 4 cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024 đơn vị này đã xử lý hơn 120.000 hồ sơ giao dịch nhà đất, tăng 13% so với cùng kỳ, tương đương tăng 15.000 hồ sơ.
Ông Thắng cho biết giao dịch chủ yếu là giữa các cá nhân, tập trung nhiều nhất ở 4 địa phương là TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Củ Chi.
Dự kiến, giao dịch nhà đất tại TPHCM trong quý II/2024 sẽ duy trì ở mức xấp xỉ 100.000 hồ sơ, giúp nguồn thu tiếp tục đảm bảo.
Cùng với nguồn thu từ đất tăng, doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm cũng ước đạt 101.814 tỷ đồng, tăng 7,4%.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các dự án bất động sản tại TPHCM được nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc thì nguồn thu từ đất đai của TP thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn nữa.
Hiện nay, theo báo cáo của UBND TPHCM, TP đã triển khai giải quyết theo thẩm quyền 33/72 dự án do Tổ công tác của Bộ Xây dựng yêu cầu; đã giải quyết 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổng hợp kiến nghị.
Hiện nay, Tổ công tác của TP cũng đang tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 143 dự án, trong đó 39 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành; 104 dự án theo tổng hợp kiến nghị của HoREA.
Khi các dự án khởi động, bán hàng sẽ có giao dịch thì TPHCM mới có nguồn thu. Tuy nhiên, số dự án được tháo gỡ vướng mắc chỉ mới hơn 30% thì vẫn còn quá khiêm tốn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đánh giá thời gian qua công tác quản lý sử dụng đất đai TPHCM gặp nhiều khó khăn, vì sự chồng chéo của nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu… Chính vì vậy, khi Luật Đất đai 2024 cùng các luật có liên quan chính thức có hiệu lực, kỳ vọng sẽ gỡ nhiều vướng mắc cho TPHCM.
Ngoài ra, cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98, kỳ vọng sẽ tạo một “sinh khí mới” để phát huy tốt nguồn lực từ đất đai nhằm phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.