Sai phạm đất đai tại Bình Chánh (TPHCM): Địa bàn rộng nên “ôm” không hết việc!

GD&TĐ - Thanh tra TPHCM vừa công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020 với trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND quận, huyện. Ông phó chủ tịch cho rằng, sai là do “địa bàn rộng nên “ôm” không hết việc”.

Cưỡng chế các sai phạm tại Gia Trang quán - Tràm Chim resort.
Cưỡng chế các sai phạm tại Gia Trang quán - Tràm Chim resort.

Sai phạm nghiêm trọng, kéo dài có hệ thống

Tại Kết luận số 98/KL-TTTP-P7, Thanh tra TPHCM chỉ rõ trong các năm 2016 đến 2019, UBND huyện Bình Chánh đều chậm gửi hồ sơ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo quy định.

Việc trình kế hoạch sử dụng đất các năm 2016 - 2018 để Sở TN&MT thẩm định trên cơ sở xác định chung của UBND các xã, thị trấn không thực hiện thủ tục xác định về nhu cầu sử dụng đất của từng hộ gia đình cá nhân. Bản đồ kế hoạch sử dụng đất cũng không thể hiện các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Điều này là thực hiện không đúng quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, xây dựng báo cáo thuyết minh, thẩm định phê duyệt và công bố công khai… theo Thông tư số 29/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ TN&MT quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong hàng loạt các sai phạm bị Thanh tra TPHCM chỉ rõ, có không ít vụ việc cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai, công tác xây dựng trên địa bàn. Điển hình như tại xã Bình Hưng, khu đất thuộc thửa số 1 tờ số 4 (BĐĐC 2004) có tổng diện tích khoảng 15.045m2, người sử dụng đất đã tự chuyển mục đích sử dụng đất.

Xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, đất lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở, thu lợi bất chính. Khu ẩm thực Bình Xuyên có diện tích khoảng 24.977m2, người sử dụng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư thương mại, dịch vụ. Nhưng chủ sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ không phù hợp quy hoạch.

Tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, có đến 80 công trình xây dựng sai phép, không phép. Tại xã Vĩnh Lộc B, khu đất thuộc các thửa đất số 582, 584, 602, tờ bản đồ số 176 và thửa 605 tờ bản đồ số 175 với diện tích hơn 52.000m2, người sử dụng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư dự án nhà ở. Nhưng những người này đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp 72 căn nhà ở riêng lẻ. Sau đó, bán cho các hộ gia đình, cá nhân để hình thành khu dân cư sinh sống mà không bị ngăn chặn.

Tại xã Tân Nhựt, dự án Khu dân cư Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông chủ đầu tư không thực hiện trình tự thủ tục như quy định. Dự án này chưa chuyển mục đích sử dụng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán nền đất. Thực chất là phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng trên phần đất nông nghiệp 187 căn nhà riêng lẻ, 225 căn hộ chung cư, nhà điều hành dự án, hồ bơi…

Cưỡng chế các sai phạm liên quan đến đất đai ở Bình Chánh.
Cưỡng chế các sai phạm liên quan đến đất đai ở Bình Chánh.

Lỏng lẻo trong giám sát, quản lý vì nhân sự mỏng?

Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, nguyên nhân dẫn đến sai phạm có nhiều lý do khách quan. Phần vì do nhân sự mỏng, phần vì các quy định trong quản lý xây dựng vẫn còn đá nhau khiến công tác quản lý gặp khó. Cụ thể, Nghị định số 139/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị, không quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ (không phép, sai phép) ở khu vực nông thôn. Do đó, việc áp dụng xử lý hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn sai phép, không phép gặp nhiều bất cập, khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nhân sự quản lý địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường trên địa bàn quá mỏng đã dẫn đến các thiếu sót, sai phạm trong quản lý. Đơn cử cả huyện chỉ có 47 nhân sự có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đất đai và xây dựng không phép trên 16 xã, thị trấn của huyện (có 4 xã bố trí 2 người; 9 xã bố trí 3 người; 3 xã, thị trấn bố trí 4 người). Riêng lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn có 69 người/16 xã, thị trấn. Lực lượng của Đội quản lý trật tự đô thị hiện có 81/16 xã, thị trấn.

“Chính việc lực lượng nhân sự quá mỏng, địa bàn rộng nên “ôm” không hết việc. Cụ thể, tại xã Vĩnh Lộc A có 3 công chức địa chính, bình quân một người phải phục vụ giải quyết nhu cầu địa chính - xây dựng cho hơn 40.000 người dân và quản lý hơn 600ha đất. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến cho tình trạng xây dựng trái phép tại huyện Bình Chánh chưa thể giải quyết dứt điểm” - ông Tài cho biết.

Liên quan sai phạm đất đai ở Bình Chánh, Thanh tra TPHCM đã kiến nghị Công an TPHCM triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện các vụ việc có dấu hiệu hình sự để điều tra, xác minh, tập trung vào các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận, môi giới hối lộ, tham nhũng, các đối tượng đầu cơ đất, mua bán chuyển nhượng thu lợi bất chính. Làm rõ các trường hợp xây dựng không phép, trái phép quy mô lớn, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất đai nhằm xử lý nghiêm và lập lại trật tự, kỷ cương trật tự xây dựng trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.