Cứ đến cuối tuần, chị Trinh lại “vật lộn” với cậu con trai “tinh quái” của mình. Chị không hiểu sao con đến lớp rất ngoan, cô nói một câu là ngồi im như hạt thóc. Còn chị dẫu có la khàn cả giọng con cũng xem như không. Nếu sợ mẹ lấy roi thì cũng chỉ được một chốc rồi lại đâu vào đó, thậm chí mẹ nói một đằng con lại làm một nẻo.
Chị rầu rĩ nhưng vẫn không hiểu mình dạy coi sai điểm nào và chẳng biết cô giáo có “bùa mê” gì mà lại trị được con dễ dàng đến thế.
Thực tế có rất nhiều bà mẹ thường phàn nàn khi trẻ đi học thì rất ngoan, biết nghe lời cô giáo. Nhưng ngược lại, khi về đến nhà, lời bố mẹ nói ra trẻ lại lờ đi, chưa kể cha mẹ sai gì cũng không thèm làm. Vậy đằng sau cách dạy dỗ của cô giáo, có bí quyết nào mà cha mẹ chưa kịp ngộ ra?
Giáo viên luôn tạo được sự uy tín với trẻ
Có nhiều bậc cha mẹ nói mà không giữ lời, nhất là trong việc học tập của con. Một số cha mẹ vì muốn con hoàn thành bài tập mà đồng ý một vài điều kiện nào đó. Nhưng khi con cái đã hoàn thành xong yêu cầu, thì cha mẹ lại thay đổi hoặc từ chối.
Khi cha mẹ nói lời nhưng không giữ như vậy, không chỉ đánh mất niềm tin của con cái, còn ảnh hưởng không tốt đối với sự trưởng thành của con trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các bé.
Còn giáo viên lại khác. Trong lớp, các thầy cô đều có một bộ quy tắc và tất cả học sinh đều phải làm theo quy tắc: Ngủ phải yên tĩnh, nếu em nào nói chuyện sẽ bị phạt; Khi con ngoan, học giỏi thì cuối tuần sẽ được thưởng phiếu bé ngoan hoặc nhận quà nho nhỏ của cô như cây bút, cục tẩy,…
Mọi lời nói của giáo viên khi nói ra đều được thực hiện trong tất cả mọi lần, chính vì vậy trẻ luôn nghe lời thầy cô giáo hơn cha mẹ mình. Đó gọi là tính kỷ luật, điều mà nhiều gia đình khó có thể rèn con mình được chỉ vì cha mẹ trót đánh mất niềm tin nơi con cái.
Cha mẹ không dứt khoát với con
Thầy cô giáo thường đưa ra những mệnh lệnh dứt khoát, rõ ràng. Trong khi đó phụ huynh lại hay nói chuyện với con mình theo kiểu nhân nhượng, mềm lòng. Chỉ cần thấy con khóc, mè nheo, nước mắt mước mũi chảy ròng là trái tim của những người làm cha mẹ lại “nhũn nhão”, làm theo yêu cầu của trẻ ngay.
Và trẻ con thì tinh quái không thua gì người lớn. Sau những lần như thế, các bé sẽ được đà lấn tới, lâu dần trẻ sẽ trở nên ương bướng, khó dạy. Chỉ cần cha mẹ thay đổi thái độ của mình, biết khi nào “mềm nắn rắn buông” chắc chắn con cái sẽ nên người.
Cha mẹ thường không kiên nhẫn với con
Trẻ con thường rất hiếu động. Chúng tò mò mọi thứ xung quanh mình nên thường có những câu hỏi hơi “ngớ ngẩn” và nếu nó được đưa ra đúng lúc cha mẹ bận rộn, nó sẽ khiến họ bực bội.
Thông thường, cha mẹ chỉ trả lời qua loa gọi là hoặc cho có mà không hay biết rằng thái độ đó sẽ khiến cho trẻ dần mất đi sự nhiệt tình. Trẻ sẽ thôi không còn thắc mắc đặt câu hỏi, cũng dần dần sẽ mất đi sự hiếu kỳ và mong muốn tìm hiểu, học hỏi. Đó là sai lầm của các phụ huynh khiến trẻ mất đi tiền đề quan trọng để tăng sự thích thú khám phá thế giới xung quanh. Một số trẻ thu mình, ù lì và trở nên ương bướng hơn để thu hút sự chú ý của cha mẹ về phía mình.
Cách hành xử của phụ huynh thiếu kiên nhẫn là vậy nhưng ở các giáo viên, họ rất kiên nhẫn giải thích cho các con từng chút một, đồng thời khơi gợi trí tò mò của trẻ, giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn. Chính vì vậy một số trẻ may mắn gặp được những giáo viên tâm huyết đến thế, trẻ sẽ cảm thấy biết ơn và trở nên thân thiết với thầy cô giáo hơn cả cha mẹ.
Cha mẹ không biết cách động viên, xem nhẹ những ưu điểm của con
Có một sự thật rất phũ phàng là cha mẹ không hề biết cách động viên con cái mà thay vào đó lại thường cấm đoán, chê bai và đặc biệt ưa so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Điều này xuất phát từ tâm lý của các bậc cha mẹ mong chờ con mình trở nên xuất sắc hơn những đứa trẻ khác.
Tuy nhiên cách nói như vậy chỉ khiến trẻ tủi thân, thêm tự ti và phẫn nộ. Ngược lại với phụ huynh, lời nói của thầy cô có tiêu chuẩn rõ ràng. Họ khen chê đúng lúc, thưởng phạt phân minh nên các con rất nghiêm túc thực hiện.
Thực tế, cha mẹ nên học cách động viên, cỗ vũ con không chỉ trong việc học, mà khi trẻ làm việc nhà, con cũng rất cần được khen thưởng. Các nhà giáo dục cũng thường khuyên cha mẹ đừng bao giờ tiết kiệm những lời khen dành cho con nhé.
Cha mẹ nói lúc con không để ý
Khi muốn nói điều gì với con mà con có dấu hiệu lơ đi, cha mẹ đừng vội trách trẻ mà hãy nhìn lại xem mình đã làm đúng cách chưa. Khi đưa ra một mệnh lệnh, một lời đề nghị, một góp ý, hãy đảm bảo rằng con mình đang tập trung nghe cha mẹ nói, chứ không phải đang xem tivi, chơi điện thoại hay làm một việc bất kỳ nào đó khiến trẻ tập trung quá mức.
Trẻ thường nghe lời thầy cô giáo hơn vì thầy cô giáo biết cách thu hút sự tập trung của trẻ, buộc trẻ phải lắng nghe mỗi khi thầy cô giáo nói. Chẳng hạn khi cô giảng bài thì học sinh phải nhìn lên bảng, không ghi chép và nói chuyện riêng. Những học sinh vi phạm lập tức được nhắc nhở và nhắc nhở nhiều lần đến khi trẻ hướng sự tập trung của mình vào bài học.
Cha mẹ cũng nên học hỏi điều này để giúp trẻ không lan man việc bên ngoài khi có yêu cầu của bố hoặc của mẹ.