1. Pin bị rơi và hỏng
Mọi thứ trong điện thoại của bạn sẽ hoạt động tốt miễn là pin còn khỏe mạnh. Một vấn đề có thể gây hậu quả tiêu cực cho sức khỏe pin điện thoại là những hỏng hóc vật lý do rơi rớt.
Trong tình huống này, nhiều người sẽ vội vã tới ngay tiệm sửa điện thoại gần nhà để sửa màn hình. Nếu điện thoại vẫn còn hoạt động, họ sẽ không nghĩ tới những hỏng hóc có thể xảy ra sau đó.
Sau mỗi lần điện thoại bị rơi, cấu trúc hóa học hoặc cơ khí bên trong nó có thể bị thay đổi, khiến cho mạch dự phòng an toàn không hoạt động được trong những tình huống căng thẳng cực độ.
Chúng ta có thể làm gì sau khi điện thoại bị rơi để phòng ngừa hỏng hóc? Hãy mở vỏ điện thoại và xem qua cục pin. Bạn nên xem xét thay pin trong 3 trường hợp sau: pin bị phồng, biến dạng, thường xuyên quá nóng không rõ nguyên do.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể tránh được các vụ nổ pin khi chú ý hơn tới các dấu hiệu pin hỏng. Một chiếc pin smartphone được xem là an toàn khi mọi tính năng an toàn bên trong nó hoạt động đúng cách.
Do đó, điều quan trọng là bạn đừng bao giờ sử dụng một cục pin có dấu hiệu hỏng hóc có thể quan sát được.
2. Môi trường và nhiệt độ nóng
Dù bên trong điện thoại của bạn có thể có những thành phần đảm bảo cho nó phát tỏa nhiệt độ dư thừa hay tắt máy khi quá nóng, hãy nhớ giữ điện thoại tránh xa các giới hạn nhiệt độ ngay từ đầu.
Dưới đây là một số lý do khiến cho điện thoại của bạn tự nhiên nóng lên:
- Chạy đồ họa nhiều sẽ khiến GPU phải tải nặng
- Sử dụng các app đặt ra quá nhiều yêu cầu cho CPU
- Widgets chạy liên tục khi bạn làm nhiều việc cùng lúc trên điện thoại
- Các kiểm tra kết nối thường xuyên do rớt kết nối điện thoại hay wifi
- Các cuộc gọi dài
Những cách dùng trên là bình thường nhưng vấn đề sẽ xảy ra nếu chúng diễn ra trong một môi trường cực nóng. Ví dụ như vừa dùng điện thoại dưới ánh nắng trực tiếp ở hồ bơi vừa nghe Spotify và lướt web sẽ làm cho smartphone căng thẳng và cố gắng tự làm nguội nó. Nếu điều đó không làm cho pin phát nổ thì nó cũng khiến pin mau bị "lão hóa" và giảm sút tuổi thọ.
Việc sạc pin trong những điều kiện đó cũng có thể làm cho nhiệt độ càng quá tải hơn vì điện thoại sẽ tích nhiệt trong khi sạc.
Để tránh những vấn đề này, bạn có thể làm theo một trong những cách sau:
- Lấy điện thoại ra khỏi vỏ khi sạc
- Tránh để điện thoại dưới ánh nắng trực tiếp khi có thể
- Không để điện thoại trên xe hơi nóng trong thời gian dài
- Không sạc điện thoại khi đang để nó trong túi hoặc túi xách, hoặc bất cứ nơi nào có thể "bẫy" hơi nóng.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều cách tránh nung nóng điện thoại Android hay các thủ thuật làm mát iPhone trên Make Use Of.
3. Dùng sạc không chính hãng
Tác giả Ryan Dube cho rằng, dây cáp của các nhà sản xuất các loại sạc rẻ tiền trên thị trường thường không đáp ứng tiêu chuẩn của các thiết bị dùng cáp USB-type C.
Kinh nghiệm của Ryan khi mua cáp sạc cho chiếc Google Pixel đời đầu là thay vì chọn loại cáp có điện trở 56k Ohm gắn trong theo chuẩn Type C thì anh lại chộp lấy một loại cáp rẻ tiền khi đang xếp hàng ở Walmart.
Anh đã sai khi nghĩ rằng mọi loại cáp USB type C đều giống nhau. Sau vài lần sử dụng sợi cáp giá rẻ, điện thoại của Ryan bắt đầu trở nên đặc biệt nóng trong lúc sạc.
Rồi một ngày, khi Ryan sạc điện thoại trong xe hơi, điện thoại của anh trở nên cực nóng và cục sạc mắc kẹt vào cổng sạc không rút ra được.
Khi anh cố gắng lôi cục sạc ra thì có một ít khối bốc lên từ cổng sạc. Thật may mắn là Ryan không phải chứng kiến chiếc smartphone phát nổ trên mặt anh.
Dù vậy, Ryan vẫn được Verizon đổi một chiếc điện thoại mới theo quy định bảo hành. Bài học quan trọng mà Ryan rút ra là: Hãy mua sạc có thương hiệu từ các nhà bán lẻ uy tín!
Các cục sạc không phải hàng OEM (non-OEM) cũng là một lựa chọn nhưng cần phải xem xét chúng có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà điện thoại của bạn yêu cầu hay không. Theo Ryan, các cục sạc giảm giá như trong câu chuyện của anh thường sử dụng các nguyên liệu dưới tiêu chuẩn chất lượng hoặc dùng sai chuẩn dây nên không có sự bảo vệ dòng điện quá tải phù hợp.
Nếu không chịu đầu tư cho một cục sạc chất lượng, tình huống tốt nhất chỉ là các vấn đề sạc pin, còn tệ nhất là bạn không chỉ đang hủy hoại chiếc điện thoại đắt tiền mà còn có thể làm cho chính mình bị thương.
4. Điện thoại bị ướt
Lithium sẽ bắt lửa và cháy khi tiếp xúc với nước hoặc hơi nước. Pin điện thoại được niêm phong kỹ nên việc này sẽ không thường xảy ra. Nhiều điện thoại hiện đại còn có khả năng chống nước hoặc kháng nước. Tuy nhiên, thảm họa sẽ xảy ra với bạn nếu kết hợp một chiếc smartphone giá rẻ với một cục pin bị thủng lỗ.
5. Pin bị thủng lỗ
Lithium phản ứng với cả nước và oxy, vì vậy đục thủng một lỗ trên pin lithium-ion sẽ sinh ra phản ứng. Phản ứng này xảy ra khá nhanh và kết quả có thể là một ít khói, một thứ mùi kinh khủng hoặc một vụ nổ với công suất tối đa.
Do đó, nếu một chiếc smartphone bị thủng lỗ do tai nạn hoặc một tình huống bạo lực nào đó thì nó luôn nguy hiểm vì có nguy cơ phát nổ.
Tóm lại, hãy nhớ trong đầu là cục pin bên trong smartphone của bạn có khả năng trở thành một vật cản nguy hiểm trong những điều kiện cực độ.
Do đó, hãy tránh xa các điều kiện cực độ. Hãy lưu trữ, sạc và sử dụng smartphone hợp lý để tự mình tránh khỏi những vết thương nghiêm trọng trong mọi tình huống.