5 cách giúp trẻ kiên cường, không bỏ cuộc

5 cách giúp trẻ kiên cường, không bỏ cuộc

Trở thành hình mẫu của trẻ

Theo Trung tâm cho trẻ em đang phát triển tại Trường Đại học Harvard (Mỹ), yếu tố "phổ biến duy nhất" để trẻ em phát triển tính kiên cường là có ít nhất một mối quan hệ ổn định với hình mẫu lý tưởng.

Theo nhà tâm lý học Mỹ Emmy Werner, một đứa trẻ càng có nhiều sự kết nối tích cực thì sẽ càng kiên cường hơn. Những mối quan hệ này có thể là với ông bà, cô, dì, chú, bác, giáo viên, huấn luyện viên hoặc bất kỳ người lớn tích cực nào khác trong cuộc sống của con.

"Con quan sát và học hỏi từ mọi thứ bạn làm. Vì vậy, hãy có những hành vi kiên cường, không bỏ cuộc để làm gương, hãy bình tĩnh và kiên định. Hãy thừa nhận lỗi sai của bạn, nhưng đừng quá đau lòng. Từ đó, phụ huynh có thể nói với con về những gì đã học hoặc làm thế nào để thực hiện tốt hơn vào lần tới", bà Werner nói.

Bà Lynn Lyons - nhà trị liệu tâm lý, nói rằng việc mô hình hóa những hành vi tích cực này có thể đặc biệt hiệu quả. Trẻ em sẽ học được rằng, mắc sai lầm không phải là tận thế. Thay vào đó, chúng có thể là cơ hội để phát triển và cải thiện.

Hãy để trẻ mắc lỗi

Khi con làm một điều gì đó tồi tệ, cha mẹ có thể sẽ cảm thấy bị thôi thúc mạnh mẽ rằng, mình cần giúp trẻ cải thiện hoặc sửa chữa điều đó. Tuy nhiên, hành động này không được các chuyên gia khuyến khích, dù hầu hết cha mẹ nào cũng sẽ khó chịu khi để con phạm sai lầm.

Nhà trị liệu tâm lý Lynn Lyons giải thích, nếu trẻ em không bao giờ phạm sai lầm, chúng sẽ không bao giờ học cách sửa chữa lỗi hoặc đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Stephanie OLeary - nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tâm thần kinh, đồng ý rằng, trải nghiệm thất bại giúp trẻ học các kỹ năng đối phó. Ngoài ra, thất bại sẽ dạy cho các con sự kiên trì và cách giải quyết vấn đề, khiến trẻ suy nghĩ về hành động của mình, cũng như làm thế nào để tránh lặp lại những sai lầm này trong tương lai.

Ngoài ra, tốt hơn hết là cha mẹ nên để con phạm sai lầm và học hỏi ngay từ bây gi, khi hậu quả không đáng kể, thay vì khiến trẻ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng hơn sau này.

5 cách giúp trẻ kiên cường, không bỏ cuộc ảnh 1
Cha mẹ hoặc người thân nên trở thành hình mẫu để trẻ noi theo. Ảnh minh họa.

Khen trẻ đúng cách

Bà Carol Dweck - giáo sư tâm lý học thuộc Trường Đại học Stanford nhận thấy, cách chúng ta ca ngợi con có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và thiên hướng của trẻ trong việc chấp nhận thử thách và sự kiên trì.

Cụ thể, khi chúng ta dành cho con những lời khen ngợi như: "Con thật thông minh!", trẻ sẽ phát triển tư duy bảo thủ. Khi đó, trẻ tin rằng những phẩm chất như trí thông minh là đặc điểm cá nhân không thể thay đổi hoặc phát triển. Do đó, trẻ có thể tránh những thử thách kiểm tra khả năng của mình.

Thay vì khen ngợi đặc điểm của con như thông minh, sáng tạo, hãy khen ngợi quá trình và tập trung vào nỗ lực của trẻ, như: "Con đã làm việc rất chăm chỉ". Theo giáo sư Dweck, khen ngợi con theo cách này có thể giúp trẻ phát triển tư duy cầu tiến và tin rằng, khả năng của mình có được nhờ sự chăm chỉ.

"Việc khuyến khích con có tư duy cầu tiến sẽ giúp trẻ trở nên kiên cường, bền bỉ và mong muốn đương đầu với những thử thách", giáo sư Dweck nhấn mạnh.

Dạy trẻ quản lý cảm xúc

Nhà nghiên cứu tâm lý và bác sĩ lâm sàng John Gottman cho biết, huấn luyện cảm xúc là chìa khóa để nuôi dạy những đứa trẻ kiên cường và hạnh phúc.

Sau 30 năm nghiên cứu, ông Gottman đã liệt kê 3 bước để huấn luyện cảm xúc trong cuốn sách "Nuôi dạy trẻ thông minh cảm xúc". Phụ huynh cần dạy con rằng, tất cả cảm xúc, dù là những điều tồi tệ nhất, cũng đều ổn. 

Cảm xúc tiêu cực có thể là cơ hội để tìm hiểu bản thân, phát triển và học cách đối phó với khó khăn một cách hiệu quả. Nhờ phương pháp này, trẻ có thể tự xác nhận được cảm xúc của bản thân.

Tiếp theo, cha mẹ cần giải quyết các hành vi xấu ở trẻ, nếu có. Ví dụ, nếu trẻ nổi cơn thịnh nộ, con sẽ phải đối mặt với hậu quả vào thời điểm đó. Phụ huynh nên giải thích rằng, con không gặp rắc rối vì cảm thấy tức giận mà là do cách trẻ giải quyết cơn giận.

Cuối cùng, cha mẹ sẽ là người giải quyết vấn đề, giúp con động não tìm cách khắc phục hoặc ngăn chặn điều đó xảy ra trong tương lai.

Tiến sĩ Kenneth Barish - tác giả của cuốn sách "Sự kiêu hãnh của niềm vui: Hướng dẫn tìm hiểu cảm xúc của con và giải quyết các vấn đề gia đình", cho rằng, cha mẹ nên dành 10 phút trước khi đi ngủ để thảo luận với trẻ về những chuyện xảy ra trong ngày.

"Hãy hỏi nếu con có điều gì muốn nói, kiên nhẫn lắng nghe cảm xúc của trẻ. Nếu có mâu thuẫn giữa bạn và con, hãy cố gắng gạt cảm xúc sang một bên và lắng nghe câu chuyện, sau đó thảo luận và cùng nhau giải quyết bất đồng", TS Barish chia sẻ.

Dạy trẻ giải quyết vấn đề

Khi con gặp vấn đề, phụ huynh được khuyến cáo giúp trẻ động não tìm cách giải quyết. Theo nhà trị liệu tâm lý Lynn Lyons, cha mẹ nên cho con cơ hội để học được đâu là giải pháp hiệu quả và ngược lại. 

Điều này có nghĩa là phụ huynh không nên vội vàng giải quyết vấn đề cho con hoặc nói với trẻ giải pháp tốt nhất. Thử thực hiện và mắc sai lầm là những cách tốt nhất để trẻ học hỏi. Dù biện pháp này không giúp trẻ thoải mái, nhưng vô cùng cần thiết.

Những đứa trẻ biết cách đương đầu với thử thách sẽ trở nên kiên cường hơn. Từ đó, các em có thể nhận ra rằng, ai cũng sẽ gặp phải thất bại và thất vọng, nhưng đó chỉ là những vấn đề cần được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ