40 năm 'thắp lửa' yêu thương

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Ngọc Thái - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Du vinh dự nhận danh hiệu NGƯT sau gần 40 năm cống hiến.

NGƯT Nguyễn Ngọc Thái với lớp chuyên Vật lý niên khóa 2023 - 2026. Ảnh: NVCC
NGƯT Nguyễn Ngọc Thái với lớp chuyên Vật lý niên khóa 2023 - 2026. Ảnh: NVCC

Sau gần 40 năm cống hiến hết mình cho giáo dục Đắk Lắk, thầy Nguyễn Ngọc Thái - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Du vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT).

Viết tiếp tình yêu nghề giáo

Sinh ra trong gia đình nông dân có 11 anh chị em (quê gốc Quảng Nam, 1959 vào Đắk Lắk - PV), chàng trai Nguyễn Ngọc Thái đã vượt qua mọi định kiến để chọn ngành sư phạm.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, Nguyễn Ngọc Thái được Sở GD&ĐT Đắk Lắk phân công giảng dạy tại Trường THPT Buôn Ma Thuột. Chỉ một năm sau, với năng lực chuyên môn vững vàng, nghiệp vụ sư phạm tốt, thầy giáo trẻ được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao cho làm chủ nhiệm lớp chuyên.

Đến 1996, khi Trường THPT chuyên Nguyễn Du chính thức đi vào hoạt động, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Thái lại được tín nhiệm, điều động về đơn vị mới.

Thầy Nguyễn Đăng Bồng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Du cho biết: NGƯT Nguyễn Ngọc Thái là Tổ trưởng chuyên môn Vật lý từ ngày thành lập trường đến nay. Không chỉ có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh, thầy Thái luôn mẫu mực trong công việc, cuộc sống hằng ngày nên được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tin yêu.

Nhiều thế hệ học trò của thầy đã trưởng thành, giữ vị trí cao trong cơ quan, là doanh nhân có tiếng ngoài xã hội… Suốt hành trình nghề giáo, thầy Thái miệt mài gắn bó, thắp lửa yêu thương cho ngành Giáo dục Đắk Lắk và học trò.

Bên góc phố nhỏ với ly cà phê đậm chất phố núi Ban Mê, NGƯT Nguyễn Ngọc Thái chậm rãi nhớ về duyên đến với nghề giáo: “Những năm 80 của thế kỷ XX, sư phạm là ngành ít ai chọn. Học sinh thường truyền nhau câu cửa miệng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhưng với tôi, các thầy cô ở Trường THPT Buôn Ma Thuột đã truyền cho tôi sức mạnh, nghị lực vượt qua định kiến để chọn nghề”.

Thầy Thái cho biết thêm, lúc bấy giờ khó khăn lắm, bản thân lại là con thứ 6 trong gia đình, ngoài giờ học phải lao động phụ giúp bố mẹ. Các thầy cô cũng chật vật mưu sinh, nhưng khi lên lớp tác phong luôn chuẩn mực.

“Tôi kính trọng, ngưỡng mộ nhân cách cao đẹp của những người thầy tôi từng biết và được học. Không chỉ trao truyền kiến thức, thầy cô còn dạy chúng tôi phải suy nghĩ, hành động tích cực và sống tử tế. Vì vậy, tôi đã bước qua những ý kiến can ngăn, thiếu thiện cảm để vào học Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Sau này trở thành đồng nghiệp, thầy cô vẫn thương yêu, quan tâm, tạo động lực để tôi hăng say nghiên cứu, giảng dạy”, thầy Thái nhớ lại.

“Đối với tôi, điều may mắn và hạnh phúc nhất là được trở thành đồng nghiệp với thầy cô giáo đã dạy dỗ suốt 3 năm THPT. Tôi chọn nghề cũng là cách để tri ân và nối tiếp truyền thống tốt đẹp ấy”, thầy Thái nói.

NGƯT Nguyễn Ngọc Thái phát biểu tại buổi gặp mặt tri ân các thế hệ nhà giáo tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Ảnh: Thành Tâm

NGƯT Nguyễn Ngọc Thái phát biểu tại buổi gặp mặt tri ân các thế hệ nhà giáo tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Ảnh: Thành Tâm

Truyền cảm hứng học tập cho trò

Trước công cuộc đổi mới giáo dục, NGƯT Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, người thầy bao giờ, trước hết phải là người truyền cảm hứng, “khuôn vàng, thước ngọc” đối với xã hội.

Muốn làm được điều đó, mỗi thầy cô giáo cần nỗ lực học tập, tự đổi mới, tiếp cận kiến thức, thành tựu giáo dục của thế giới. Đồng thời, vận dụng sáng tạo vào quá trình dạy học.

“Sứ mệnh cao quý của người thầy là kiến tạo những giá trị cao đẹp cho con người. Làm sao để các em có học vấn, nhân cách và biết sống tử tế”, thầy Thái khẳng định.

Nói về người thầy đáng kính của mình, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, được thầy Thái chủ nhiệm 3 năm THPT là điều may mắn. Ai cũng kính trọng, yêu quý người thầy hiền lành, tận tụy, tâm huyết với nghề và học trò.

“Với tôi và các bạn cùng trang lứa, thầy Thái không những có phương pháp giảng hay, dễ hiểu, phù hợp trình độ học sinh mà còn chu đáo, quan tâm đến hoàn cảnh, tâm tính và năng lực học tập từng người. Các thế hệ học trò được thầy giảng dạy đều tiến bộ, trưởng thành - đây có lẽ là món quà ý nghĩa nhất mà chúng tôi có thể gửi tặng thầy”, bà Hòa xúc động nói.

Chung cảm xúc, ông Lưu Tiến Quang - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk tâm sự, thầy Thái như cha mẹ thứ 2 của nhiều thế hệ học sinh với sự dạy bảo, chăm sóc hết mình. Sự ấm áp, trách nhiệm, chỉn chu của thầy đã truyền động lực để mỗi trò vươn lên trong học tập, công tác.

Trong các thế hệ học trò của NGƯT Nguyễn Ngọc Thái, hạnh phúc nhất có lẽ phải kể tới là nhóm học trò Trần Thị Bích Phượng, Trịnh Thị Hằng Ngân và Trần Thị Quỳnh Mai. Tất cả đã chọn ngành Sư phạm Vật lý và trở thành đồng nghiệp của thầy Thái ở Trường THPT chuyên Nguyễn Du.

Thầy kể với chúng tôi: “Vật lý là môn học sát với thực tiễn cuộc sống. Trước đây, vì tò mò, muốn giải thích tận cùng nguyên lý các hiện tượng như: Tại sao có cầu vồng?, Sao diễn viên xiếc có thể đi xe đạp trên dây?… nên chọn môn học này. Tình yêu, đam mê khoa học của của thầy đã thành nguồn cảm hứng để chúng tôi kế nghiệp”, đại diện nhóm chia sẻ.

Công tác tại Trường THPT chuyên Nguyễn Du, cô Trần Thị Bích Phượng nhớ lại: “Năm 1997, tôi đỗ 4 trường đại học, gia đình yêu cầu học ngành bưu điện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Cơ sở TPHCM). Nhưng vì ngưỡng mộ thầy và muốn học tập sự mẫu mực nên tôi xin gia đình cho thi lại sư phạm. Đến nay, sau 20 năm được đồng hành cùng thầy với vai trò đồng nghiệp, tôi thấy đây là hạnh phúc và may mắn nhất đời. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bản thân tôi vẫn là cô học trò bé bỏng, được thầy uốn nắn, chỉ bảo ngày càng trưởng thành”.

Đến nay, thầy Nguyễn Ngọc Thái có 27 học sinh giỏi quốc gia; 1 học sinh được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển Olympic dự thi quốc tế; hàng trăm lượt học sinh giỏi cấp khu vực, cấp tỉnh. Đến năm 2020, thầy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Những học sinh tiêu biểu được thầy dạy dỗ đã trưởng thành, đang đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong xã hội như: Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk; Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk; TS Vật lý Trường Đại học Maryland (Mỹ)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ