Miệt mài với mô hình
Trong căn nhà nhỏ của mình tại đường Lê Trọng Tấn (phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ông Bùi Xuân Thành – nguyên là công nhân viên quốc phòng Nhà máy A32 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) vẫn đều đặn tự tay mình “cho ra lò” những mô hình máy bay chiến đấu để làm quà tặng.
Chúng tôi gặp ông Thành lúc ông đang chăm chú chỉnh sửa mô hình chiếc chiến đấu cơ Su-22. Vừa làm ông Thành vừa kể, năm 1975, sau thời gian huấn luyện, ông được Quân chủng Phòng không - Không quân tạo điều kiện về làm việc ở Nhà máy A32. Đến tháng 7/1978, ông chuyển vào Đà Nẵng và gắn bó với TP Đà Nẵng cho đến bây giờ.
Vốn là công nhân chuyên sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, vũ khí… phục vụ quân chủng, trong khoảng thời gian làm công nhân sửa chữa máy bay tại đây, ông có dịp thực hiện sửa chữa nhiều máy bay chiến đấu.
Thấy ông Thành vừa có “hoa tay” lại có tính cẩn thận, lãnh đạo đơn vị đã giao thêm nhiệm vụ làm mô hình chiến đấu cơ làm quà lưu niệm cho đơn vị.
“Nhận nhiệm vụ” ngay sau đó, ông bắt tay vào việc sản xuất mô hình máy bay chiến đấu.
Để làm những mô hình này, ông đã bắt đầu mày mò, tìm hiểu từng chi tiết nhỏ nhất của những chiếc máy bay chiến đấu.
“Những chiếc tôi làm ban đầu nhận được nhiều lời khen, từ những lời khen động viên khích lệ đó, giúp tôi mày mò thêm mẫu mã và chuyển sang làm bằng chất liệu nhôm vì bền và đẹp”, ông Thành tâm sự.
Theo quan sát, những mô hình máy bay chiến đấu do ông Thành làm ra hết sức sinh động. Các chi tiết của mô hình từ màu sơn, cánh, mũi, đuôi... máy bay đều được làm giống như bản gốc.
Theo ông Thành, để làm ra mô hình máy bay, thì việc đầu tiên là phải làm thô. Mỗi loại máy bay, mỗi chi tiết là một khuôn riêng. Sau khi có đầy đủ các bộ phận, ông dùng loại khoan cỡ nhỏ, keo dính… bắt đầu lắp ráp hoàn thiện phần thô.
Sau đó lấy dấu và khoan các lỗ lắp ráp các giá tên lửa, giá ăng-ten… Sau khi khoan xong, các mô hình sẽ được ông chà giấy nhám, rồi tiến hành công đoạn sơn.
Nói đến phần sơn trên mô hình, ông Thành cho biết, ông đã dày công nghiên cứu cách xịt sơn để vẻ bề ngoài mô hình giống như thật. Sau khi gia công nhẵn, mịn bề mặt, ông Thành tiến hành sơn lên mô hình nhiều lớp sơn với nhiều màu khác nhau. Quá trình này kéo dài khoảng 5 - 6 ngày.
“Đặc biệt, quá trình sơn phải trải qua 5 công đoạn, mất 5 - 6 ngày với nhiều lớp sơn khác nhau. Đây là bước rất quan trọng thể hiện cái hồn của chiếc máy bay”, ông Thành bật mí.
Lưu giữ kỷ niệm của lính không quân
Ông Thành cho biết, mỗi loại máy bay chiến đấu đều khác nhau nên khi làm mô hình cũng sẽ có độ phức tạp khác nhau. Chẳng hạn, nếu như MiG-17, MiG-21 thì đơn giản nhưng bắt đầu từ Su-22 thì phức tạp. Tính năng phức tạp vì vũ khí nhiều. Nếu MiG-21 chỉ có 4 quả tên lửa thì Su-22 có 10 giá có thể đeo bom, đeo tên lửa. MiG-21 dao chỉnh dòng ít nhưng từ Su-22 trở đi thì dao chỉnh dòng nhiều thế nên phức tạp.
Theo ông Thành, các thế hệ máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam càng về sau càng khó mô hình hóa. Chẳng hạn, Su-22, MiG-21 thân tròn thì dễ nhưng bắt đầu từ Su-27, Su-30 MK2 thì càng phức tạp.
Thế nên không chỉ cố gắng làm mô hình đúng với các thông số, ông Thành còn nghiên cứu các loại mô hình tên lửa đi kèm cho mỗi máy bay. Rồi thiết kế giống hệt từ kiểu dáng cho đến màu sơn…
Hơn nửa đời người làm mô hình máy bay chiến đấu, ông Thành chẳng thể nhớ hết đã chế tạo ra bao nhiêu chiếc máy bay. Với ông Thành, số lượng không quan trọng bằng việc từng mô hình máy bay chiến đấu dù là để làm quà hay để làm vật kỉ niệm phải mang lại cảm xúc cho người được tặng.
Hiện, những mô hình máy bay chiến đấu ông làm chủ yếu là các loại máy bay: MiG-17, MiG-21, Su-22, Su-27, Su-30 và có làm thêm Su-35…
Về hưu hơn 6 năm nay, nhưng ông Thành vẫn miệt mài bên công việc chế tạo mô hình máy bay. Một phần vì nhớ nghề cũ, một phần làm theo mong muốn của nhiều đồng đội, đồng chí... “Những mô hình máy bay này lưu giữ kỷ niệm của người lính Không quân trong những năm tháng bay lượn trên bầu trời”, ông Thành bộc bạch.
Cứ như vậy, hơn 40 năm nay, ông Thành vẫn tỉ mỉ “biến” những khối nhôm vô tri vô giác thành những mô hình máy bay chiến đấu với màu sơn, vũ khí đi kèm giống như thật. Đó không chỉ là tình yêu nghề, mà còn gợi nhớ lại cho ông nhiều cảm xúc về những năm tháng trong quân ngũ đã qua.