Bà Jan Scheuermann, 55 tuổi, điều khiển mô hình máy bay trong một dự án của chính phủ Mỹ, thuộc Cơ quan Các dự án Nghiên cứu Cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng (DARPA). Bà bị liệt tứ chi, từ cổ trở xuống, vì mắc một bệnh di truyền hiếm gặp.
"Thay vì nghĩ đến việc kiểm soát phím điều khiển, điều phi công thực hiện khi họ lái phương tiện này, Jan nghĩ đến việc trực tiếp kiểm soát phi cơ", Arati Prabhakar, giám đốc của DARPA, nói. Đối với một người không phải phi công như Jan, bà điều khiển mô hình máy bay từ các tín hiệu thần kinh ở não bộ.
Năm 2012, các bác sĩ phẫu thuật cấy điện cực vào não bộ của Scheuermann để bà kiểm soát một cánh tay robot. Công nghệ dùng để điều khiển chiếc F-35 cũng sử dụng cùng một mảng vi điện cực để kết nối tế bào não bộ với mạch điện tử.
"Đây là trải nghiệm điều khiển máy bay tuyệt vời và tôi rất hạnh phúc vì đã làm được điều đó. Nghiên cứu này đã khiến cuộc sống của tôi phong phú hơn, mang đến nhiều người bạn mới, cho tôi đóng góp một phần nhỏ nào đó và khiến tôi rất ngạc nhiên", Scheuermann nói.
IB Times hôm qua cho hay, các nhà nghiên cứu hy vọng phiên bản mô phỏng F-35 có thể giúp các bệnh nhân tiếp cận với công nghệ này qua bộ phận chân, tay giả.