Riêng tháng 4/2010 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,7 tỷ USD, đạt cao hơn tháng trước và tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không chỉ như mong muốn, mà đã vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2010. Nếu duy trì được nhịp độ này, xuất khẩu bình quân 5,7-6 tỷ USD/tháng trong thời gian tới, có thể kỳ vọng sớm kế hoạch xuất khẩu năm 2010 (dự kiến khoảng 60 tỷ USD).
|
Dệt may xuất khẩu là ngành có tốc độ phục hồi nhanh và đóng góp đáng kể nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua. (Ảnh, internet) |
Về mặt hàng xuất khẩu, thời gian qua đã nổi lên một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu cao như sắt thép (đạt trên 300 triệu USD, tăng hơn 195%), cao su (đạt 470 triệu USD, tăng gần 142%), phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 538 triệu USD, tăng 135,5%), dây điện - dây cáp điện (đạt 413 triệu USD, tăng gần 123%)…; bên cạnh đó còn có hơn 10 mặt hàng đang có mức tăng trưởng cao từ 20% đến hơn 80%.
Đặc biệt là nhóm mặt hàng nông thủy sản đạt thành tích cao về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (trong đó các mặt hàng như cá tra, cá ba sa đạt trên 300 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và tôm đạt 220 triệu USD, tăng 11%; Gạo đạt 1,2 tỷ USD, và hạt tiêu đạt 43.000 tấn thu về 130 triệu USD). Đây được xem như những mặt hàng tiềm năng, hứa hẹn bước phát triển mới trong thời gian tới.
Về thị trường, tốc độ xuất khẩu vào hầu hết các thị trường đều gia tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng trên 20%, vào Nhật Bản tăng gần 30%, xuất khẩu sang thị Trung Quốc tăng hơn 50% (nhờ những mặt hàng dầu thô, cao su…).
Đóng góp lớn nhất vào thành tựu trên đây vẫn là khối doanh nghiệp FDI. Khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua (đạt khoảng 8,9 tỷ USD) vẫn suy giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, tức so với lúc “rớt đáy”. Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 9,46 tỷ USD, tăng 44,2%. Điều đó cho thấy, khả năng hồi phục hoặc sức cạnh tranh sau khủng khoảng của doanh nghiệp trong nước chưa có bước chuyển biến rõ rệt như đã được giới phân tích kinh tế kỳ vọng.
Trong kết quả phục hồi và bắt đầu tái phát triển của hoạt động xuất khẩu, ngoài sự đóng góp tích cực của các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, còn có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu thời gian qua đã đáp ứng kịp thời những nguyên, nhiên, vật liệu cần thiết cho sản xuất phục vụ đời sống trong nước và xuất khẩu. Trong tháng 4/2010 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,95 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với tháng trước, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu ước đạt 24,8 tỷ USD, tăng 35,6% so với 4 tháng đầu năm 2009. Với kết quả này, nhập siêu trong 4 tháng qua vào khoảng 4,6 tỷ USD, bằng 23,1% kim ngạch xuất khẩu, so với những năm trước và xuất phát từ thực tế khách quan, nhập siêu như hiện nay được xem là khá tương thích.
Giang Đông