4 nhiệm vụ chủ yếu với Giáo dục Trung học năm học 2021-2022

GD&TĐ - Ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Theo hướng dẫn này, năm học 2021-2022, giáo dục trung học sẽ tập trung triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ chủ yếu, gồm:

Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19

Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường được nhấn mạnh để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học được nhấn mạnh

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT.

Trong đó, bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương.

Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến.

Thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đối với lớp 6 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Công văn số 5512/BGD&ĐT-GDTrH và Công văn số 2613/BGD&ĐT-GDTrH; xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình giáo dục phổ htoong 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật) bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.

Tổ chức dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những học sinh lớp 6 có khả năng học tập và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường. Đối với các nhà trường chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục thực hiện môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, trong đó lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để chuẩn bị cho học sinh học các môn học này theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục.

Đối với các lớp thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD&ĐT lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT; bảo đảm chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và hoàn thành chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuẩn bị cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Lưu ý kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới

Về kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6, hoạt động kiểm tra, đánh giá được lưu ý như sau:

Môn Lịch sử và Địa lí bao gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lí, mỗi phân môn chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì; bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 2 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Môn Nghệ thuật bao gồm 2 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 1 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương: giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 2 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định.

Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.  

Đối với bài kiểm tra, đánh giá định kì (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, việc xây dựng ma trận, đặc tả của đề kiểm tra cần phối hợp theo tỉ lệ phù hợp giữa câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận. Khuyến khích các nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục.

Năm học 2021-2022, các nhà trường cũng cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Xem toàn văn hướng dẫn TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.