Quy định đánh giá mới với học sinh trung học: Không còn “học gạo”

GD&TĐ - Nhiều điểm mới của Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS, THPT đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được giáo viên, cán bộ quản lý trung học đánh giá cao.

Thực hiện đánh giá học sinh theo năng lực là mục tiêu chung của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh minh họa
Thực hiện đánh giá học sinh theo năng lực là mục tiêu chung của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh minh họa

Khuyến khích trò cố gắng

Cùng xây dựng Chương trình GDPT mới, việc điều chỉnh quy định về đánh giá học sinh (HS) để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ, khoa học. Nhấn mạnh điều này, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp), đánh giá: Với giáo dục trung học, Thông tư 22 có nhiều điểm mới rất phù hợp, thiết thực. Việc đánh giá HS được toàn diện hơn với nhiều hình thức đánh giá và đa dạng đối tượng tham gia đánh giá. HS có cơ hội tự đánh giá bản thân qua rèn luyện, kết quả học tập của từng môn học. Đồng thời, qua kết quả đánh giá HS, các trường có cơ sở để điều chỉnh quá trình dạy học phù hợp nhất.

Chia sẻ một số điểm mới của Thông tư 22, thầy Trần Văn Hân cho biết: Thông tư nêu rõ việc thực hiện đánh giá bằng nhận xét, trong đó có hình thức nói hoặc viết để nhận xét. Đồng thời, quy định rõ đối tượng thực hiện: Giáo viên (GV) nhận xét; HS tự nhận xét; cha mẹ HS, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục.

Với đánh giá thường xuyên, Thông tư quy định mỗi môn học, mỗi HS được kiểm tra, đánh giá nhiều lần; chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp tiến trình dạy học theo kế hoạch, ghi vào sổ theo dõi và đánh giá. Cụm chuyên đề học tập chọn kết quả 1 lần kiểm tra, đánh giá và được tính là kết quả của 1 lần đánh giá trường xuyên của môn học đó.

Học sinh trung học tiếp cận với chương trình GD STEM.
Học sinh trung học tiếp cận với chương trình GD STEM.

Đánh giá kết quả rèn luyện, Thông tư yêu cầu cụ thể về đánh giá kết quả rèn luyện và quy định rõ mức xếp loại cả năm có sự ràng buộc kết quả từng học kỳ. Hiện tại, hạnh kiểm cả năm chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của HS, nên có thể có nơi vận dụng máy móc lấy kết quả kỳ II làm kết quả cả năm.

Với đánh giá kết quả học tập: Các môn đánh giá bằng nhận xét quy định mức Đạt của học kỳ với điều kiện các lần được đánh giá ở mức Đạt (hiện tại quy định 2/3 số lần kiểm tra trở lên mức Đạt); đánh giá kết quả học tập có 4 mức (hiện tại là 5 mức) và yêu cầu cũng thay đổi; thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn chính hay môn phụ. Danh hiệu HS xuất sắc, giỏi có yêu cầu cao hơn và có thêm khen thưởng thành tích đột xuất trong rèn luyện, học tập trong năm học.

Theo cô Lê Phương Lan, GV Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội, năm học 2020 - 2021, nhà trường đã “đi trước”, thực hiện một phần giống quy định tại Thông tư 22 với việc triển khai vừa cho điểm, vừa nhận xét; mỗi môn có bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ. “Cách đánh giá không chỉ dựa trên điểm số, vì điểm số chỉ ở những thời điểm nhất định, HS có thể học “gạo” để làm bài kiểm tra. Còn kết hợp cả nhận xét, GV phải quan sát tỉ mỉ quá trình học của HS để kịp thời động viên, uốn nắn; HS phải cố gắng trong cả kỳ, cả năm” - cô Phương Lan nhận định.

Cũng đánh giá tích cực về Thông tư 22, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Bình cho rằng: Thông tư mới đã kế thừa, phát huy những ưu điểm của Thông tư 58, Thông tư 26 trước đây về đánh giá HS trung học. Theo đó, chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của HS; không so sánh HS với nhau; coi trọng động viên, khuyến khích các em trong rèn luyện, học tập. 

Học sinh phát huy năng lực trong giờ thực hành. Ảnh minh họa
Học sinh phát huy năng lực trong giờ thực hành. Ảnh minh họa

Triển khai quy định mới theo đúng lộ trình

Thông tư 22 có hiệu lực thi hành từ 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021 - 2022 với lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 với lớp 8, lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 với lớp 9, lớp 12.

Để thực hiện tốt Thông tư số 22, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Sở GD&ĐT sẽ tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ quản lý, GV, HS, phụ huynh HS và xã hội về quan điểm đổi mới, nội dung, phương pháp đánh giá HS THCS, THPT, cùng những lợi ích khi áp dụng quy định mới. Đồng thời, triển khai đánh giá HS THCS, THPT theo đúng lộ trình của Thông tư số 22.

Với HS học Chương trình 2006 vẫn được đánh giá theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, Thông tư số 26/2020/TT-GDĐT. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện phẩm chất, năng lực người học, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo cán bộ quản lý, GV nghiên cứu vận dụng những ưu điểm của Quy định mới tại Thông tư 22.

Trong đó lưu ý nhất là các điểm mới về thu thập, phân tích, xử lý thông tin thông qua quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình rèn luyện, học tập của HS. Sử dụng kết quả đánh giá để tư vấn, hướng dẫn, động viên và xác nhận kết quả đạt được của HS. Cung cấp thông tin phản hồi cho GV, HS để điều chỉnh quá trình dạy học và giáo dục. Ngoài ra, một số biểu mẫu đính kèm Thông tư 22 cũng rất hay, có mẫu phù hợp với yêu cầu của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nên địa phương sẽ nghiên cứu sử dụng cho phù hợp.

Tại Trường THPT Mỹ Quý, thầy Trần Văn Hân thông tin, sẽ tổ chức triển khai để toàn thể cán bộ, GV, nhân viên nắm nội dung, sự cần thiết của Thông tư 22. Tiếp tục yêu cầu GV nghiên cứu nghiêm túc Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là chương trình môn học mình giảng dạy. Từ đó, GV tiếp cận Thông tư 22 một cách chủ động, dễ dàng hơn, phù hợp mục tiêu, yêu cầu của chương trình.

“Nhà trường sẽ tổ chức vận dụng những điểm mới của Thông tư, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đánh giá theo quy định hiện hành để GV từng bước tiếp cận. Lựa chọn trước một số GV dự kiến tham gia dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023 có tâm thế chuẩn bị tốt nhất khi thực hiện Chương trình GDPT mới. Đồng thời, truyền thông để HS, cha mẹ HS biết những thay đổi về kiểm tra, đánh giá trong năm học tới để tạo đồng thuận, ủng hộ khi thực hiện, tránh những xáo trộn hoặc tâm lý lo lắng” - thầy Trần Văn Hân chia sẻ.

“Nhà trường sẽ phổ biến Thông tư đến cán bộ, GV; tổ chức thảo luận, nghiên cứu vận dụng đúng trong các trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi của HS. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác này nhằm tránh những hạn chế (nếu có)” - thầy Dũng chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ