4 nguyên tắc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm

GD&TĐ - Cho rằng việc quy hoạch hệ thống đào tạo sư phạm của cả nước là việc làm cấp bách, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đề xuất các nguyên tắc trong công tác quy hoạch và số lượng cơ sở đào tạo sư phạm trên cơ sở xem xét các yếu tố kinh tế, văn hóa, lịch sử và đặc biệt là nhu cầu trong tương lai. Những quan điểm này được Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo Giáo dục 2018 tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm phải đảm bảo sự ổn định và khoa học hơn để đáp ứng yêu cầu đổi mới
Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm phải đảm bảo sự ổn định và khoa học hơn để đáp ứng yêu cầu đổi mới

Quy hoạch nhằm mục đích ổn định và phát triển

Theo GS Nguyễn Văn Minh, thực tiễn, từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước các trường cao đẳng, các đại học địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục quốc dân.

Kết quả của việc xóa mù chữ, phổ cập cấp tiểu học, THCS có đóng góp rất lớn của hệ thống này. Vì vậy, đề cập đến quy hoạch, cần nghiên cứu nhiều mặt, trong đó phải xem xét đến yếu tố con người, tác động xã hội và chế độ chính sách.

Dựa trên chiến lược phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng

Có quan niệm cho rằng, tập trung đầu tư cho các cơ sở chủ lực ở các thành phố lớn và co hẹp hoặc giải thể các cơ sở vùng sâu, vùng xa. Theo GS Nguyễn Văn Minh, đây là quan niệm khá cực đoan. Có thể thấy rõ, khi một cơ sở giáo dục xuất hiện ở một địa phương có tác động rất tích cực về nhiều mặt cho địa phương đó. Vấn đề là xác định được chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở trong hệ thống là gì để xây dựng quy hoạch.

Việc quy hoạch lại sẽ được thực hiện theo hướng: Các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất.

Xem xét đến yếu tố địa lý, kinh tế - xã hội

Nguyên tắc thứ 3 được GS Nguyễn Văn Minh đề cập đến là qui hoạch cần xem xét đến yếu tố địa lý, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền trong mối tương quan với các cơ sở trọng điểm.

Khẳng định lại quy hoạch nhằm mục đích phát triển, bởi vậy, theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một mặt phải phân định rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ, qui mô của mỗi cơ sở; mặt khác, sắp xếp lại để tạo cơ hội phát triển đồng bộ, tránh việc phân bố dàn trải, đầu tư nhỏ giọt và hạ thấp chất lượng. Xem xét yếu tố địa lý là nhằm kích thích sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, tạo sự thuận lợi không chỉ trong quá trình đào tạo mà cả trong quá trình bồi dưỡng trong tương lai.

“Ở đây, có thể đặt ra câu hỏi, trong thời đại công nghệ số, có thể giải quyết bài toán bồi dưỡng trực tuyến thay vì xây dựng các cơ sở bồi dưỡng ở các địa phương không? Có hai vấn đề cần xem xét, thứ nhất cần có lộ trình thay đổi; thứ hai chúng ta không thể tuyệt đối hóa mọi quy trình bằng con đường trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục” - GS Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm.

Tính đến các đặc điểm bối cảnh hiện nay

Các đặc điểm chính, theo GS Nguyễn Văn Minh, đó là:Các trường sư phạm có xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo và nâng cấp các trường trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm thành trường đại học đa ngành. Các trường sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên và giáo viên không chỉ đào tạo ở các trường sư phạm. Nhu cầu số lượng giáo viên không còn cấp bách nữa, thậm chí đã dư thừa, nhưng yêu cầu chất lượng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên lại cấp bách mới kịp đáp ứng hội nhập quốc tế, đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Quản lý phát triển đội ngũ giáo viên thiếu quy hoạch vĩ mô và chưa gắn đào tạo ban đầu với bồi dưỡng liên tục và sử dụng giáo viên thành một quá trình liên hoàn.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS Nguyễn Văn Minh cũng đề cập đến sự thiếu gắn kết giữa các cơ sở đào tạo giáo viên, giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học quản lý với nhau và giữa hệ thống sư phạm với các trường thuộc hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nếu thiết lập được sự gắn kết đó sẽ vừa tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo, nghiên cứu, vừa phối hợp nghiên cứu giải quyết những vấn đề của đặc thù ngành Giáo dục.

Trong bối cảnh với các đặc điểm nêu trên cho thấy, việc quản lý các trường sư phạm phát triển đội ngũ giáo viên phải là đối tượng quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT. Quản lý trực tiếp thông qua tác động hệ thống là tiếp cận hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (đó cũng là tiếp cận hiệu quả ở những bối cảnh khác nhau trong lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam). Như vậy, cần xây dựng hệ thống với sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở nghiên cứu giáo dục, các trường mầm non, phổ thông.

Quản lý thông qua hệ thống được thiết lập với cơ chế tạo được sự tương tác, phối hợp một cách linh hoạt giữa các cơ sở nêu trên, Bộ GD&ĐT sẽ có điều kiện chỉ đạo hiện thực hóa những chủ trương của ngành Giáo dục, đặc biệt những cuộc cải cách, đổi mới giáo dục. Tránh được sự mất cân đối phát triển chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên, sự tách rời giữa kết quả nghiên cứu lý luận với thực tiễn giáo dục, khắc phục được sự thiếu chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học giáo dục…

Tính đến hết năm học 2016 - 2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện, bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Có 37 viện NCKH được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm).

Năm 2017, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng đã có những thống kê cơ bản về nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, áp lực về số lượng không còn cao như cách đây hai thập kỷ. Điều này là do tác động của chính sách dân số và số lượng giáo viên cơ bản đủ về số lượng trong giai đoạn hiện tại. Số lượng cần thiết nhiều nhất hiện nay là giáo viên mầm non, vì nhu cầu chăm sóc trẻ ngày càng cao của cả hệ thống công lập và tư thục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ