Thực hiện chương trình phổ thông mới: Nhà giáo phải đổi mới

GD&TĐ - Chỉ còn một năm học nữa là Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai. Bên cạnh việc đầu tư, chuẩn bị về cơ sở vật chất và trang thiết bị thì vấn đề con người (giáo viên) là hết sức quan trọng.

Đội ngũ nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới
Đội ngũ nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Làm sao để đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu chương trình mới? Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ sẽ như thế nào? Đây là vấn đề lớn, cần phải huy động nguồn lực của cả xã hội để thực hiện thành công chương trình.

Giáo viên - yếu tố “sống còn” trong Chương trình mới

Một trong những điểm mới của chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải. Từ nhiều năm trước, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương thí điểm dạy học tích hợp.

Một số Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho lực lượng giáo viên nòng cốt chuyên môn ở các quận/huyện, sau đó lực lượng này sẽ phổ biến đến từng giáo viên trên địa bàn. Tuy nhiên, dạy thế nào, vận dụng thế nào, đến nay nhiều giáo viên còn lúng túng. Nguyên nhân là lâu nay, giáo viên vốn được đào tạo chuyên sâu một môn học nên khi phải thực hiện dạy liên môn đương nhiên sẽ gặp khó khăn.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Võ Tòng Xuân, nêu quan điểm: “Theo tôi, không chỉ đổi mới chương trình mà còn một việc hết sức quan trọng là đào tạo đội ngũ giáo viên ở các trường sư phạm và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại để có thể đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Có chương trình tốt, có cơ sở vật chất đầy đủ nhưng thiếu người thầy giỏi thì rất khó thành công!”.

Theo TS Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Không đợi đến khi có chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới mà ngay từ thời điểm hiện nay, cần phải chỉ đạo các trường triển khai mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá qua việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực. Cụ thể như: Phương pháp Bàn tay nặn bột, Dạy học theo dự án; triển khai mô hình Trường học mới; hưởng ứng cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp, cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống…

Đổi mới từ trường sư phạm đến giáo viên

Khi có Chương trình giáo dục phổ thông mới thì trường sư phạm phải có giải pháp đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của chương trình này. Song song đó là công tác bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo các cấp học. Để làm sao khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thì sẽ thông suốt trong hệ thống, từ trường sư phạm cho đến các trường phổ thông…

Theo chia sẻ của GS Võ Tòng Xuân: “Một trong những thay đổi đóng vai trò then chốt trong mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chính là hệ thống các trường sư phạm - cỗ “máy cái” đào tạo giáo viên. Người thầy trong thế kỷ 21, người thầy trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dạy những điều đã học trong phạm vi chương trình, trong nhà trường mà phải “mở”, phải cập nhật kiến thức và phải dạy những gì xã hội, thời đại cần chứ không phải dạy những gì mà người thầy có”.

TS Bùi Xuân Dũng - Giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM) cho rằng, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường phải được đào tạo lại, bồi dưỡng theo hướng trang bị kiến thức chuyên sâu; năng lực tư vấn nghề nghiệp, lựa chọn môn học. Những vấn đề này phải được quan tâm giải quyết thì mới bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.