Cây cầu tử thần
Chiều đông, gió lạnh, men theo con đường đất nhỏ chạy dọc bờ sông Lam, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyệt nằm nép mình dưới chân cầu Bến Thủy.
Nghe chúng tôi nhắc đến nghề vớt xác, bà Nguyệt trầm ngâm: “Cách đây 30 năm, một chú bộ đội bơi thuyền thúng trên sông thì bị lật. Mọi người tổ chức tìm kiếm mãi không được. Hôm đó, đang đi đánh cá, nghĩ đến chuyện chú bộ đội trẻ còn nằm đâu đó dưới lòng sông lạnh, tôi cầm lòng không đặng liền lặn xuống sông tìm và vớt lên được. Kể từ đó, nghe ở đâu có người chết đuối là tôi lại chèo thuyền đến tìm kiếm xác”.
Bà Nguyệt kể cầu Bến Thủy được người dân ở đây gọi là cầu tử thần bởi từ khi được xây dựng (năm 1989) đến nay, năm nào cũng có vài người tìm đến tự tử. Mỗi lần nghe tin, bà Nguyệt lại tất tả bơi thuyền ra tìm nạn nhân.
Do thi thể nạn nhân thường chìm sâu dưới đáy sông, nước chảy xiết khó tìm kiếm nên bà Nguyệt tự chế ra một cái lưới chuyên để vớt xác. “Nó làm từ cuộn lưới dù dài 200 m, phía dưới gắn hàng ngàn chiếc lưỡi câu bằng thép. Với những thi thể khó tìm, tôi phải đem lưới này ra giăng. Khi xác trôi qua sẽ vướng vào, tôi lặn xuống tìm rồi đưa vào bờ” - bà giải thích.
Bà Nguyệt cho biết những người tìm đến cầu Bến Thủy tự tử hầu hết rất đáng thương, cũng vì cuộc sống bế tắc mà ra. Cách đây hơn 10 năm, có một đôi trai gái ở tỉnh Nghệ An yêu nhau nhưng gia đình ngăn cản nên đưa nhau đến cầu Bến Thủy tự tử. “Tôi phải lặn mất mấy ngày mới tìm được xác họ. Khi kéo lên, thi thể 2 người còn dính chặt vào nhau, gỡ mãi mới tách ra. Nhìn cảnh đó không ai cầm được nước mắt” - bà Nguyệt nhớ lại.
Đã vớt vài trăm thi thể
Nghề chính là đánh bắt cá nhưng hễ nghe tin có người quyên sinh hay gặp nạn, bà Nguyệt lại bỏ tất cả mọi chuyện sang một bên để vớt xác, bất kể ngày đêm.
Hai tháng trước, vào khoảng 1 giờ, bà Nguyệt đang thả lưới cách cầu Bến Thủy 200 m thì phát hiện xác một phụ nữ trôi trên sông. “Đêm khuya, mưa lạnh, trời tối đen, nước lại chảy xiết, một mình tôi vật lộn với cái xác hơn 1 giờ mới đưa được vào bờ. Mình làm điều phúc đức nên lúc đó quên hết mệt nhọc, sợ hãi” - bà tâm sự.
Hơn 30 năm xuôi ngược trên dòng sông Lam, giờ sức khỏe đã yếu, tóc bắt đầu điểm bạc, bà Nguyệt không nhớ rõ mình đã vớt bao nhiêu thi thể. “Năm nào ít thì 5-7, nhiều thì 10-15 xác, tính ra tôi đã vớt khoảng vài trăm người chết tại khúc sông này rồi” - bà nhẩm tính rồi thở dài cho biết trong đó, nhiều thi thể không người thân đến nhận. “Khi đó, tôi lại cùng với người dân chôn cất họ ở bãi bồi ven sông rồi thay nhau hương khói” - bà Nguyệt ưu tư.
Chiều muộn, thành phố bắt đầu lên đèn, bà Nguyệt chuẩn bị cho chuyến đánh bắt đêm. Tiễn chúng tôi về, bà Nguyệt cười đôn hậu đáp lại lời chúc một buổi tối tôm cá đầy khoang...
Thân cò lặn lội
Gia đình bà Nguyệt nhiều đời đánh cá trên sông Lam. Năm bà 17 tuổi, mẹ mất, cha đi thêm bước nữa, bà nối nghiệp gia đình, ngược xuôi nuôi 2 em nhỏ. Thời trẻ, bà có con với một người đàn ông, sau đó người này bỏ đi biệt tích. Hiện bà một mình nuôi con và một người em bị tật nguyền và từ trước tới nay chưa được hưởng bất kỳ chế độ, hỗ trợ gì từ cơ quan chức năng.