Theo bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Cần phải biết cách chọn nghề “3 phù hợp” để có thể thành công trong lương lai.
Phù hợp với khả năng
Chọn nghề luôn là mối bận tâm với nhiều người, nhất là người trẻ. Tuy nhiên, để theo đuổi được ngành nghề đó, tự bản thân mỗi cá nhân đều phải hiểu rõ khả năng của mình đến đâu.
Cô Nguyễn Trần Nhật Ánh – giảng viên Trường Cao đẳng nghề Hà Nội chia sẻ: “Chọn nghề vốn dĩ không phải là chuyện may rủi. Bạn có thể lên kế hoạch cho việc quan trọng này từng bước một. Trước tiên là chọn, sau đó là mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt tới trong nghề nghiệp đó và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện mục tiêu đó. Bạn muốn trở thành một tiến sĩ hay một doanh nhân thành đạt? Bạn thích thu nhập cao hay cơ hội phát triển nghề nghiệp, hay còn điều gì khác nữa? Hãy xem xét kỹ mình mong muốn điều gì ở tương lai để không phải hối hận sau này”.
Cô Ánh cho biết thêm, điều cần lưu ý vẫn là chọn nghề phù hợp với khả năng của mình. Nếu bạn thích một nghề đang được nhiều người theo học vì nó có khả năng kiếm ra nhiều tiền, nhưng nó quá sức so với bạn, hoặc ngành nghề đó rất khó đối với bạn, thì khả năng thành công của bạn là không cao. Ở đây, không phải là không ai đạt được mong muốn, số người đó vẫn có nhưng không phải là số đông. Vì vậy, biết được khả năng đến đâu để theo đến đó sẽ khiến bạn về đích thuận lợi hơn.
Thêm nữa, bạn cũng cần nhìn nhận vào kết quả học tập của bản thân làm căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành nghề đó ở trường bạn muốn thi vào trong nhiều năm liên tiếp, từ đó so sánh với sức học của mình. Điều này sẽ giúp bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào.
Cùng một ngành học nhưng có thể thi đầu vào bằng nhiều khối khác nhau, vì thế hãy chọn thi khối nào là sở trường của bạn. Còn bạn tự thấy mình khó có khả năng theo đuổi các trường đại học thì chọn nghề để học và đi làm cũng là phương án khiến bạn rút ngắn được thời gian, tiền bạc…
Phù hợp với sức khỏe
Thông thường, khi chọn nghề, hầu hết người lao động đều quan tâm tới mức lương, vị trí địa lý hoặc khả năng thăng tiến, cơ hội làm việc… Tuy nhiên, chọn nghề phù hợp với sức khỏe là điều vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động khi chọn công việc mà bản thân mình không đáp ứng được.
Chuyên viên tư vấn và chăm sóc sức khỏe quận Ba Đình - Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nhiều người sức khỏe không tốt. Nhưng họ lại chọn việc phải đi xa so, công việc nặng nhọc, độc hại… chỉ bởi lương cao. Tuy nhiên, thời gian làm việc của bạn trong công việc đó sẽ không được lâu dài. Bởi chính bạn không đáp ứng được. Ngược lại, nhiều người sức khỏe rất tốt, nhưng chỉ thích làm việc nhẹ nhàng, thu nhập thấp. Điều này cũng ảnh hưởng đến chính người lao động khi để phí nguồn lực, lâu ngày dẫn đến sức ỳ lớn, trì trệ và không có tiền tích luỹ trong trương lai.
Do vậy, dù sức khỏe tốt hay không tốt, mỗi người cần ưu tiên chọn nghề phù hợp với điều kiện của mình để có khả năng gắn bó lâu dài với công việc đã chọn cũng như giảm thiểu sự lo lắng của người thân dành cho bạn.
Phù hợp với điều kiện kinh tế
Không ít người với mong muốn đi lao động xuất khẩu để “đổi đời” đã khiến gia đình phải chật vật vay mượn, thậm chí chịu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Ở một số quốc gia có mức lương cao, số tiền phải chuẩn bị cho các chi phí, thủ tục cũng khá lớn. Vì thế, khi bạn chưa đi làm, chưa biết sẽ tích cóp được bao nhiêu sau khi trang trải một đống tiền sinh hoạt ở xứ người, bạn đã ôm phải một “cục nợ”.
Nhiều người mất vài năm để trả được khoản vay đó thì lại phải mất thêm khoản tiền mới để có thể tiếp tục ở lại. Có người đã dành dụm được tiền hoặc gửi về cho gia đình, thế nhưng khi nhìn lại, so với nhiều năm vất vả bôn ba xa nhà, số tích luỹ đó chẳng đáng là bao.
Rồi có nhiều bạn trẻ học đòi, nhất định phải đi du học khi bạn không có học bổng nào tài trợ, gia đình bạn cũng khó có thể lo được mọi chi phí cho con ăn học trời tây…
Chính vì vậy, khi chọn nghề, chọn ngành, dù là lao động chân tay hay chất xám, mỗi người cần nhìn nhận đúng đắn tình hình kinh tế của mình để có kế hoạch phù hợp. Nói như vậy không có nghĩa chỉ có những gia đình giàu có mới được chọn nghề theo mong muốn. Ai cũng có thể có được cơ hội để làm giàu, nhưng nếu để quá sức, bạn sẽ đuối nhanh và nguy cơ thất nghiệp, chán nản, nhảy việc càng cao.
Thậm chí, khi chọn nghề bạn cũng phải xem xét từ nhiều khía cạnh gia đình để đưa ra quyết định đúng đắn. Nhất là nghề đó có thể đem lại thu nhập cao nhưng lại không phải là nghề mà gia đình bạn thấy không phù hợp, không mong muốn.
Như vậy, để thấy rằng, chọn nghề không phải là ăn may. Trong khi các chương trình hướng nghiệp cho người trẻ ngày một nhiều với mong muốn giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội, bản thân mỗi người cần hiểu “sức mình” đến đâu: Sức khỏe, khả năng và điều kiện gia đình để không còn phải băn khoăn sau này.