18 tuổi sở hữu 30 ứng dụng di động

GD&TĐ - Trần Lê Duy - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang là tác giả của hơn 30 ứng dụng di động, trong đó những ứng dụng được công bố trên kho Google Play được rất nhiều lượt tải về, đem lại cho cậu một nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Trần Lê Duy
Trần Lê Duy

Những tấm bằng khen trên vách nhà nát

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ ly thân từ lúc học lớp 8, Duy sống cùng ông bà ngoại và mẹ tại một căn nhà nhỏ ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên. Căn nhà xập xệ, vách thưa và mục nát được che chắn bởi vô số bằng khen, cúp và huy chương mà Duy đạt được suốt thời đi học. Trong các giải thưởng Duy nhận được, có thể kể: Giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội; Giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh An Giang năm 2017 với sản phẩm “Trình thông dịch Pascal trên Android”;  Giải thưởng Bluebird Award 2017 và Tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm 2018,...

Ông ngoại và Duy (trong dịp Duy nhận bằng chứng nhận Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia)

Duy cho biết về động lực ham học và trở nên học giỏi của mình: “Những năm tiểu học, em học tệ lắm, ham chơi và không tập trung nên thường bị mẹ và thầy cô la rầy. Đến năm lớp 5, có một thầy giáo đã khơi gợi niềm đam mê toán học cho em thông qua những câu đố, những chuyện kể. Có những câu đố không bạn nào hiểu, nhưng em lại cảm thấy rất dễ dàng để tìm ra câu trả lời. Từ đó em bắt đầu yêu toán học cũng như cố gắng học tập các môn khác. Từ lớp 5 đến nay em đều đạt được thành tích học sinh giỏi”.

Theo lời Duy, từ năm lớp 8 em đã tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình Pascal. Song, do không có máy tính nên em chủ yếu học lí thuyết qua sách, tài liệu từ thư viện và nuôi dưỡng ước mơ qua từng dòng lệnh được viết trên vở. Đến năm lớp 10, gia đình đã cố gắng dành dụm số tiền 6 triệu đồng để mua cho em một chiếc laptop. Cũng từ đó, em đã nghiên cứu viết phần mềm di động trên hệ điều hành Android.

Tác giả của 30 ứng dụng di động

Tính đến nay Duy đã viết rất nhiều, khoảng hơn 30 ứng dụng di động. Song em chỉ đăng tải 7 ứng dụng trên kho Google Play và tâm huyết nhất là ứng dụng Máy tính NCalc+. Đây là một chiếc máy tính ảo có thể thực hiện đầy đủ những chức năng của một chiếc máy tính cầm tay như: máy tính khoa học, giải phương trình, hệ phương trình, giải tích, lượng giác, xác suất thống kê,…

Thời điểm hiện tại, mỗi ngày có hơn 6.000 lượt tải xuống và sử dụng ứng dụng. Cùng với việc kết hợp giữa bán phiên bản cao cấp của ứng dụng và quảng cáo, các ứng dụng này đã đem đến cho Duy một nguồn thu nhập ổn định, giúp em nâng cấp thiết bị hỗ trợ học tập, giúp đỡ gia đình và dành dụm cho hành trình đại học sắp tới.

Được biết, để có được ứng dụng hoàn chỉnh như hiện tại, Duy đã phải trải qua sự kiểm duyệt gắt gao về khâu bản quyền, hình ảnh từ nhà cung cấp kho ứng dụng Google Play. Có lần, do vô tình có sự trùng lặp giữa ứng dụng của Duy và một ứng dụng đã có trên hệ thống, NCalc+ đã bị gỡ bỏ, toàn bộ lượt tải về bị xóa sạch. Duy chia sẻ: “Lúc đó em buồn lắm. Vì để viết được ứng dụng đó, em đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu. Có khi em phải bỏ ra một tháng trời để đọc tài liệu, mà tài liệu chủ yếu là tiếng Anh nên rất khó. Nhưng em đã cố gắng chỉnh sửa và làm lại từ đầu. Cuối cùng thì cũng ổn, khâu kiểm duyệt về bản quyền đã được xác nhận, và em vẫn đang cố gắng để cải tiến những ứng dụng của mình”.

Đam mê đưa đến thành công

Để có được sự thành công này, bên cạnh thời gian nghiên cứu các thuật toán, Duy cũng rất quan tâm đến Marketing để ứng dụng được tiếp cận với nhiều người dùng. Ban đầu lúc ứng dụng vừa được hoàn thành, em chỉ chia sẻ trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn. Sau này em tận dụng những công cụ, tìm cách nâng cao thứ hạng tìm kiếm nên ứng dụng từ hạng rất thấp, đến nay đã vươn lên top 10 ứng dụng được tìm kiếm nhiều nhất.

Một số ứng dụng khác của Duy như: Pascal N-IDE phục vụ cho mọi người có thể học tập ngôn ngữ Pascal trên di động khi không có máy tính, Bộ chuyển đổi đơn vị đo lường & Công cụ thông minh hay Ascii Art Generator - một cộng đồng mở chia sẻ những biểu tượng vui nhộn, vừa mang tính kĩ thuật, vừa mang tính nghệ thuật cũng được rất nhiều người dùng sử dụng và yêu thích.

Duy khẳng định: “Em vẫn làm mọi thứ vì niềm đam mê công nghệ nên chắc chắn sẽ không để nguồn thu nhập làm ảnh hưởng đến đam mê và ước mơ chinh phục công nghệ của mình. Hiện tại, em vẫn cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình học phổ thông và chuẩn bị hành trang thật vững chắc cho hành trình bước vào giảng đường đại học sắp tới. Em dự định sẽ chọn học trường Đại học FPT vì em nhận được học bổng 100% từ ngôi trường này. Hiện em đang học và chuẩn bị phát triển các ứng dụng trên một hệ điều hành nữa, đó là IOS. Bên cạnh đó, em cũng đang chuẩn bị để tham dự kì thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2018 với một đề tài mới. Em rất hào hứng khi tham dự cuộc thi này” - Duy cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...