Đây được xem là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên nhằm đưa những cam kết quốc tế đi vào thực hiện. Việt Nam cũng tham gia lễ ký kết quan trọng này.
Trong thỏa thuận đạt được hồi tháng 12/2015 tại Paris, các chính phủ đã cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2 độ C và cố gắng giới hạn ở mức 1,5 độ C. Để đạt được điều đó, thế giới sẽ phải loại bỏ khí thải CO2 một cách hiệu quả ở nửa sau của thế kỷ 21. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió sẽ được dùng để thay thế cho than đá, dầu mỏ và khí đốt. Thỏa thuận này chỉ có hiệu lực nếu có ít nhất 55 quốc gia, chiếm 55% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cùng phê chuẩn. Chỉ tiêu đề ra là đến đến năm 2020, song nếu được phê chuẩn một cách nhanh chóng, Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu có thể bắt đầu có hiệu lực ngay trong năm nay hoặc đầu năm 2017 tới.
Cùng với 171 nước và tổ chức, Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Trần Hồng Hà dẫn đầu đã tham gia buổi lễ quan trọng này. Với việc ký kết Thỏa thuận Paris vừa qua, Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm nay, chính phủ Việt Nam sẽ phê chuẩn thỏa thuận này, đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra nhằm từng bước hướng tới mô hình phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh bởi đó là giải pháp có tính dài hạn và quyết định cho sự phát triển bền vững.
Lễ ký kết về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu vừa diễn ra tại New York là một lời khẳng định của các quốc gia thành viên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nó tạo cơ sở pháp lý để cho thỏa thuận COP 21 đạt được tại Paris hồi tháng 12/2015 chính thức có hiệu lực. Thỏa thuận này sẽ thay thế cho nghị định thư Kyoto hết hết hạn vào năm 2020.