11% trường học phải đối diện với rủi ro ngập lụt từ biển do biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 8/12, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn - Biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết với đặc điểm địa lý và khí hậu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nghiêm trọng do BĐKH. Trong những năm gần đây, BĐKH tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ năm 2011 – 2020, khí hậu cực đoan đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, với tổng thiệt hại ước tính gần 230.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2011 – 2016, tổng thiệt hại ước tính hơn 62.000 tỉ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là gần 162.000 tỉ đồng, gấp 3 lần giai đoạn 5 năm trước đó; tính trung bình mỗi năm thiệt hại khoảng 23.000 tỉ đồng.

Giai đoạn 2011 – 2020, trong nông nghiệp có gần 3.4 triệu ha lúa và hoa màu, hơn 700 nghìn ha cây công nghiệp, gần 383 nghìn ha thuỷ sản bị phá huỷ, hư hại; cùng hơn 10.8 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, có 217km đê, 92km kè và bờ biển, sông, suối bị sạt lở, vỡ, nứt; 2.390 cống và 2.305 hồ, đập bị vỡ, sạt lở; 140 trạm bơm bị hư hại và 1.915km kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng.

Hơn 3.5 triệu ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 44.198 cái bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 1.7 triệu cái bị hư hại, gần 1.800 bị ngập nước. Ước tính năm 2020, có 11.8 triệu người ở Việt Nam phải chịu rủi ro lũ lụt lớn và hơn 35% các khu định cư ven biển nằm trên các bờ biển bị xói mòn.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Về hạ tầng và dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường, tính trong 4 năm (2012, 2016, 2019, 2020) có gần 766.000 hộ với khoảng 2.8 triệu người bị thiếu nước sạch, hơn 519.000 ha diện tích vùng dân cư bị ô nhiễm; giai đoạn 2011 – 2020 có gần 53.000 km đường bị sạt lở, hơn 32.000 km đường bị ngập, hơn 21.000 cầu, cống bị hư hại và 2.850 điểm giao thông bị ách tắc, đình trệ.

Dịch vụ giáo dục và y tế cũng đang đứng trước rủi ro cao khi mà 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập lụt từ biển. Theo thống kê của các năm 2011, 2012, 2018 và 2020, có 5.929 phòng học và nhà chức năng đã bị phá huỷ và hư hại, có 2.723 điểm trường bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, BĐKH đang ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam và những khoản chi phí đang bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tính trong năm 2020, Việt Nam đã thiệt hại 10 tỉ USD, tương đương 3.2% GDP do tác động của BĐKH.

Dự tính trong tương lai, kinh tế của Việt Nam sẽ bị tổn thất và thiệt nặng nề từ BĐKH. Cụ thể, nếu mực nước biển dâng 1.0m, ước tính khoảng 5.3% diện tích tự nhiên bị ngập, 10.8% dân số bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 10.2% GDP, 10.9% vùng đô thị bị ngập, 7.2% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng và 28.9% vùng đất thấp bị ngập.

Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả và giảm thiểu phù hợp, trong giai đoạn 2070 – 2100 sẽ có từ 6 triệu - 12 triệu người có thể chịu tác động tiêu cực từ lũ lụt ven biển; ước tính BĐKH có thể khiến tới 1 triệu người lâm vào tình trạng nghèo cùng cực năm 2030 và khiến Việt Nam mất khoảng 12% - 14.5% GDP mỗi năm từ năm 2050.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) đã đề ra những kiến nghị cho việc hoàn thiện chính sách pháp luật và ứng phó với BĐKH. Trong đó, chú trọng rà soát đánh giá việc thực thi và hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH; Tăng cường triển khai nghiên cứu học tập kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BĐKH;

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xác định mục tiêu và lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính; Chủ động thực thi các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; chủ động thích đứng với BĐKH; Phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH; Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng và ban hành Luật BĐKH cho Việt Nam.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong thời gian qua Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH.

Theo ông Huy, ứng phó BĐKH đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực của mọi quốc gia trong việc đề ra các hành động khẩn trương và mạnh mẽ để tăng khả năng chống chịu và ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ