11% phụ nữ kết hôn trước tuổi quy định

GD&TĐ - Số liệu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho thấy, ở các quốc gia phát triển, ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái tuổi từ 15 - 19 đã sinh con. 

Thế hệ trẻ cần được tiếp cận những chính sách về dân số
Thế hệ trẻ cần được tiếp cận những chính sách về dân số

Các nghiên cứu cũng chứng minh, việc tiếp cận phổ cập với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện có thể giảm 1/3 số ca tử vong ở mẹ và giảm 20% tỷ lệ tử vong trẻ em. Đây là lý do UNFPA lấy chủ đề Kế hoạch hóa gia đình - Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh cho Ngày Dân số thế giới năm nay (11/7).

Trẻ em cũng cần được tiếp cận chính sách dân số

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc trao quyền cũng như hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em gái nhưng đến nay trên thế giới, mỗi năm vẫn có xấp xỉ 15 triệu trẻ em gái phải kết hôn trước khi đến ngày sinh nhật lần thứ 18 của mình. Các em kết hôn sớm phần lớn do bị cưỡng ép, quan niệm của cộng đồng.

Ở Việt Nam, luật pháp quy định tuổi kết hôn ở nữ giới là đủ 18 và tròn 20 tuổi với nam nhưng trên thực tế, tỷ lệ kết hôn trước tuổi cho phép vẫn diễn ra và thậm chí còn tương đối phổ biến ở khu vực miền núi. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước có khoảng 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18.

Hơn nữa, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng ở nhiều khu vực và các nhóm dân tộc, một số cộng đồng hiện đang tụt hậu so với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ về bình đẳng giới, họ đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn khá phổ biến.

Kết quả điều tra lần thứ nhất về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, cho thấy tỷ lệ tảo hôn chung trong các nhóm dân tộc thiểu số khá cao là 26,6%, thậm chí tỷ lệ này ở nhiều dân tộc thiểu số là rất cao, lên đến 50 - 70%.

Trao quyền cho các em

Tảo hôn rõ ràng vi phạm quyền trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình. Xét trên tổng thể, tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội, tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.

Đại diện cho các cơ quan LHQ, bà Shoko Ishikawa (Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam) cho rằng: Chìa khóa phá vỡ nạn tảo hôn là tăng quyền năng, đầu tư hơn nữa cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng từ việc kết hôn sớm cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục, đào tạo, tư vấn pháp luật và y tế, trong đó đặc biệt là tư vấn sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và nhà tạm lánh cũng như nhiều dịch vụ xã hội khác.

Bà Trần Thu Huyền, Trưởng đại diện tổ chức Tầm nhìn thế giới khẳng định: Quan trọng nhất là cần lắng nghe quan điểm của trẻ em về những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kết hôn trẻ em và cần thu hút cũng như tăng quyền năng cho trẻ em để các em có thể cùng tham gia tìm giải pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.

Tăng sự lắng nghe và trao quyền nhiều hơn nữa cho các em để biết, hiểu các em nghĩ gì, cần gì, cần như thế nào. Muốn làm được điều trên cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để có thể tiếp xúc và nghe trẻ nói, thực hiện việc lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách và giám sát việc thực hiện phản ánh được như cầu của trẻ trai và gái, qua đó đầu tư và tăng quyền năng cho trẻ ở mọi khía cạnh, đặc biệt là chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, tư vấn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.