Thông tin trên được Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cung cấp tại Hội thảo quốc gia về tảo hôn được tổ chức sáng nay (25/10) tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - cho biết: Ở Việt Nam tảo hôn xảy ra ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cảnh báo: Hiện có quá nhiều trẻ mang thai sớm, chưa hoàn thiện về giải phẫu và tâm - sinh lý đã phải trở thành cha, mẹ.
Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Những vùng tảo hôn, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi.
Toàn cảnh hội thảo quốc gia về tảo hôn |
Theo Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, tảo hôn là vi phạm quyền con người. Mặc dù các quốc gia đã có hệ thống luật pháp giúp giải quyết vấn đề này nhưng thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, mà nguyên nhân chính là do nghèo đói và bất bình đẳng giới.
Giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế, xã hội cho cộng đồng và quốc gia.
Trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 thường phải bỏ học và có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình. So với phụ nữ sinh con ở độ tuổi trên 20 thì các bà mẹ trẻ em có nhiều nguy cơ tử vong do những biến chứng thai sản và trong quá trình sinh con.
Con cái của các bà mẹ trẻ con thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời. Những biến chứng thai sản này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bà mẹ trẻ con ở các quốc gia đang phát triển.