Tảo hôn ở Việt Nam: Khoảng trống và thách thức

GD&TĐ - Tảo hôn là tình trạng diễn ra phổ biến ở nhiều nước. Tảo hôn khiến cho các cô bé, cậu bé phải bước vào cuộc sống gia đình khi chưa sẵn sàng về sức khỏe, tâm thế. 

Tảo hôn ở Việt Nam:  Khoảng trống  và thách thức

Nó làm mất đi cơ hội và cản trở tương lai của các em. Tảo hôn gây ra nhiều tác hại về sức khỏe, đã bị cấm ở nhiều nước nhưng nó vẫn tồn tại cho thấy còn khoảng trống nào đó trong chính sách dân số, phát triển kinh tế xã hội…

Diễn ra ở nhiều nơi

Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, thế giới hiện có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Tính trung bình cứ 3 phụ nữ thì có 1 người (khoảng 250 triệu) kết hôn trước tuổi 15. Còn theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, số lượng phụ nữ bị ép kết hôn ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ tăng từ 700 triệu trẻ em gái hiện nay lên đến 950 triệu trẻ em gái năm 2030.

Ở Việt Nam, mặc dù Luật Hôn nhân - Gia đình, Luật Trẻ em đều nghiêm cấm tảo hôn nhưng cho đến nay tình trạng trên vẫn diễn ra. Kết quả từ cuộc điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam năm 2014 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15 - 19 tuổi kết hôn hoặc sống chung là 10,3%. Khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Mê Kông và Tây Nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao.

Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) Nguyễn Thị Tư cho biết: Tảo hôn diễn ra ở mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, tình trạng trên phổ biến ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số cho thấy, tình trạng tảo hôn chung trong dân tộc thiểu số là 26,6%. Tỷ lệ tảo hôn cao nhất ở dân tộc Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru, Vân Kiều. Tỷ lệ tảo hôn cao đồng nghĩa với các dân tộc có nhiều hộ nghèo. Điều này lý giải tại sao các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái luôn nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ tảo hôn.

Tìm ra khoảng trống

Bản Lang (Lai Châu) năm 2015, trong số 303 bà mẹ mang thai có 73 trường hợp dưới 18 tuổi. Trong số 136 trường hợp sinh được ghi nhận có 49 ca là trẻ dưới 16 tuổi. Tương tự, xã Thanh (Quảng Trị) có 29 trẻ em và 35 trẻ từ 18 tuổi sinh con tại trạm y tế.

Minh Hóa (Quảng Bình), Vân Hồ (Sơn La) cũng được ghi nhận là nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Hồ Thị Khao (Quảng Bình) lấy chồng từ năm 15 tuổi. Cuộc sống của bà mẹ chưa đầy 17 tuổi này quanh quẩn ở nhà để nấu cơm, chăm con và ra đồng. Mặc dù đang nuôi con nhỏ nhưng bữa ăn của Khao chẳng có gì ngoài cơm, rau và nước mắm. Vàng Thị So (Sơn La) có 3 đứa con khi 20 tuổi. Theo So, 15 - 16 tuổi, các bạn trong bản lấy chồng hết nên mình cũng phải lấy chồng. Lấy xong, chồng không cho đi học nên chỉ biết ở nhà đẻ con, cấy lúa. Nói về cuộc sống với người chồng bằng tuổi và 3 đứa con, So bảo chưa bao giờ hình dung cuộc sống gia đình lại vất vả như vậy.

Có thể nói, tảo hôn là khởi đầu của vòng luẩn quẩn tạo ra chu kỳ bất lợi từ chối trẻ em gái có quyền cơ bản nhất về học tập và phát triển. Trẻ em gái kết hôn quá sớm sẽ không thể đến trường và phải đối mặt với bạo lực gia đình, lạm dụng sức lao động và cưỡng hiếp. Các em thường sảy thai và dễ bị phơi nhiễm bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bao gồm HIV. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: So với phụ nữ sinh con ở độ tuổi trên 20, các bà mẹ trẻ em có nhiều nguy cơ tử vong do biến chứng thai sản trong quá trình sinh con. Con cái của các bà mẹ trẻ này thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Gia đình và Giới - cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm tảo hôn do quan niệm, phong tục lạc hậu. Nhưng thực tế chứng minh tảo hôn diễn ra ở mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ dân tộc phổ biến như Kinh đến dân tộc thiểu số. Như vậy, phong tục chỉ là một phần mà rõ ràng tảo hôn liên quan đến nghèo đói.

Nhìn vào các cuộc điều tra sẽ thấy, ở đâu dân nghèo, ở đâu chỉ số phát triển con người HDI thấp thì ở đó tảo hôn phát triển. Tảo hôn đôi khi được người dân coi là một cách để có thêm nhân lực lao động, để bớt nghèo. Như vậy, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, ngoài tuyên truyền thì cần có chính sách cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, đặc biệt là giáo dục và y tế để nâng cao dân trí, phát triển sản xuất.

“Khi đủ cơm ăn, áo mặc, người dân sẽ khắc có nhu cầu về tinh thần, học tập, giải trí… thay cho việc quanh quẩn ở bản, lấy vợ, lấy chồng sinh con” - ông Minh nhận định.

Điều tra của Plan cho thấy 86% trẻ em kết hôn sẽ bỏ học. 3% trong số trẻ kết hôn chưa bao giờ đến lớp. Con của các cặp tảo hôn nói chung thường không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh thiếu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.