10 kịch bản thiên tai và phương án phòng tránh của Hà Nội

GD&TĐ - Năm 2021, do tình tình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai các dự án bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: MH
Triển khai các dự án bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: MH

Bởi vậy đa phần nguồn nhân lực của cả nước đều tập trung cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo quy luật tự nhiên, từ nay đến cuối năm là cao điểm của bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... bởi vậy các tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa “đối phó” với thiên tai.

Để làm tốt được 2 nhiệm vụ này, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân cũng phải trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản, đặc biệt là người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,… những nơi thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, tập trung mật độ dân cư đông đúc. Bởi vậy, việc lên các phương án, kịch bản đối phó với thiên tai là việc làm hết sức cấp bách.

Những thống kê liên quan đến tình hình thiên tai ở Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là một địa phương có địa hình đa dạng, hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống lụt, bão đã được đầu tư, tu bổ

Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng mưa lớn kéo dài kết hợp với việc bị ảnh hưởng của siêu bão, Thành phố dễ xảy ra tình trạng ngập úng, đặc biệt là một số khu vực ngoại thành. Có những nơi cá biệt ngập sâu từ 1m đến trên 3m dẫn đến nhiều địa bàn bị cô lập, chia cắt khi có bão lớn, mưa cường độ lớn dồn dập, trong khi đó nước sông, hồ đều ở mức cao hạn chế khả năng thoát nước, làm nhiều địa bàn bị ngập úng dài ngày.

Ngoài ra theo thống kê, Hà Nội đã nhiều lần bị ảnh hưởng của dư chấn động đất. Gần nhất là đêm ngày 24/3/2011, dư chấn của trận động đất 7 độ richter tại Myanmar đã gây rung chấn cấp 5 tại thành phố Hà Nội và cấp 6 tại một số tỉnh phía Tây Bắc.

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, thành phố Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh từ 6,1 đến 6,5 độ richter, với tâm chấn sâu 15-20 km, liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo Sông Hồng, Sông Chảy.

Trong đó, tại quận Hoàng Mai (các phường Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), phía Bắc huyện Thanh Trì (các xã Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra động đất lên đến cấp 8-9. Đáng chú ý, khi xảy ra động đất mạnh, mức thiệt hại nhà cửa ở quận Hoàn Kiếm là cao nhất, có xác suất 40%.

Về tình hình thời tiết, thủy văn trong thời gian tới, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, năm 2021, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 5-7 đợt nắng nóng và 6-8 đợt mưa lớn trên diện rộng…

Nhận định tình hình thời tiết, thiên tai năm 2021 cực đoan, khó lường, bên cạnh đó là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện 9 nhóm giải pháp, trong đó, khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai

10 kịch bản phòng chống thiên tai ở Hà Nội

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, UBND thành phố đã đưa ra các giải pháp cụ thể ứng phó với từng tình huống xảy ra.

Cụ thể, tại Quyết định số 2435/QĐ-UBND, thành phố Hà Nội đã đưa ra 10 kịch bản thiên tai (trong đó 8 kịch bản mưa bão, vỡ đê và kịch bản thảm hoạ; động đất) trong năm 2021.

Theo đó, mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp bão mạnh, siêu bão đi qua thành phố gây ngập úng ngoại thành là tình huống thường gặp trong công tác phòng, chống thiên tai hàng năm. Nhiều khu vực bị ngập sâu từ 1m đến trên 3m dẫn đến nhiều địa bàn bị cô lập, chia cắt khi có bão lớn, mưa cường độ lớn dồn dập, trong khi đó nước sông, hồ đều ở mức cao hạn chế khả năng thoát nước, làm nhiều địa bàn bị ngập úng dài ngày.

Đối với các tình huống mưa, bão, vỡ đê, UBND thành phố yêu cầu người dân chủ động dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, mắm muối, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian khoảng 1 tháng. Riêng UBND các quận, huyện, thị xã phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ". Chuẩn bị dự trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian 7 ngày.

Đối với kịch bản khi thành phố xảy ra thảm hoạ như sập, đổ nhà và các công trình xây dựng; sự cố rò ri, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ; cháy nổ lớn; tai nạn máy bay, tai nạn tàu thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt nghiêm trọng... Những thảm họa nêu trên có thể xuất hiện trong bất kỳ thời điểm nào, không xác định được vị trí và thời gian, nhưng ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Cuối cùng là kịch bản động đất, UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã nhiều lần bị ảnh hưởng của dư chấn động đất.

Nếu xảy ra thảm họa động đất, việc quan trọng nhất là tìm kiếm cứu nạn, bố trí nơi sơ tán tạm thời, đồng thời bảo đảm đời sống tối thiểu cho nhân dân.

Khi xảy ra ở khu vực nội thành, dự kiến các địa điểm sơ tán người dân tại: Vườn Bách Thảo, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Công viên Nghĩa Đô, Công viên Indira Gandhi, Công viên Tuổi Trẻ, Công viên Yên Sở. Khu vực các quận, huyện còn lại sẽ căn cứ vào lựa chọn của địa phương như vườn hoa, sân vận động làm nơi sơ tán dân…

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân; Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, chủ động sẵn sång ứng phó với các tình huống thiên tai.

Về giải pháp ứng phó với các thảm họa, khi xảy ra các thảm họa, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - thường trực công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nơi xảy ra thảm họa triển khai công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống; thực hiện chế độ cho người bị thiệt hại; thực hiện thăm hỏi động viên nạn nhân và các lực lượng tham gia hoạt động cứu trợ.

Sở Công Thương thực hiện dự phòng hàng cứu trợ khẩn cấp theo phương án chung… thực hiện bố trí bệnh viện dã chiến, y tế lưu động. Những mặt hàng thiết yếu khác, nếu thực tế cần thiết, UBND Thành phố sẽ trưng dụng khẩn cấp từ các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hoạt động...

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.