Hành động không giống chàng mọi khi
Thông thường khi một người nào đó nói dối, họ cảm thấy khá khó chịu và lo lắng vì sợ bị lộ. Nếu chàng đang nói dối với bạn về điều gì đó nghiêm trọng, rất có thể là thái độ của người ấy sẽ thay đổi một chút.
Nếu anh ấy thường cởi mở, vui vẻ và không ấp úng khi chia sẻ mọi thứ, mà đột nhiên hành động rất bí mật và phản ứng thay đổi thất thường, thì có thể đây là một dấu hiệu cho thấy có vấn đề với chàng rồi.
Hãy hỏi người yêu chuyện gì đang xảy ra, nếu anh ta chối bay rồi lảng ngay sang chuyện khác hoặc khó chịu với câu hỏi của bạn, thì nghi ngờ của bạn hoàn toàn chính xác.
Tránh ánh mắt bạn
Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể khi chàng nói với bạn điều gì đó mà bạn nghĩ rằng anh ta đang nói dối. Đối phương nhìn vào mắt bạn? Nếu anh ta đảo mắt, nhìn lung tung và ngại ngần tránh ánh nhìn của bạn thì đây là một dấu hiệu cho thấy anh ta không trung thực. Khi nói dối, người ta hiếm có thể tập trung nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Các chi tiết kể không giống nhau
Nếu đang nói dối về điều gì đó phức tạp, thật khó để các chi tiết khớp với nhau. Hãy chú ý đến các chi tiết khi người ấy kể, vì rất có thể nó mỗi lúc một khác, hoặc bị vấp rất lạ lùng.
Rõ ràng có sự khác biệt giữa người hay quên, với người nói dối. Người hay quên thì khi kể lại chuyện, mọi thứ rất logic, cho dù bạn vặn vẹo thế nào đi nữa, họ cũng kể lại và dẫn dắt rất hợp lý.
Còn người nói dối sẽ rơi vào hoang mang khi bị đưa vào ma trận. Rất có thể khi không chống chọi được họ sẽ gắt gỏng đòi bỏ qua và trách bạn tọc mạch.
Luôn phòng thủ
Người nói dối luôn ở vào trạng thái “phòng thủ”, nghĩa là dè dặt trong chia sẻ, hoặc có cử chỉ gườm gườm đối phương. Nếu chàng kể lể đủ thứ, rồi chặn đứng mọi câu hỏi của bạn bằng một câu trả lời đóng, yêu cầu đừng hỏi nữa thì khả năng nói dối là cao lắm nhé.
Nhiều khoảng dừng khi đối thoại
Những câu hỏi đến tự nhiên và nếu không nói dối sẽ trả lời rất trơn tru. Nhưng vì đang lừa dối nên chắc chắn sẽ có nhiều khoảng dừng khi đối thoại giữa 2 bạn lắm. Người nói dối luôn cần phải suy nghĩ để mọi thứ ăn khớp với nhau mà.
Luôn nói rằng bạn không có sự tin tưởng
Khi đuối lý, người nói dối thường buông một câu: “Em không tin anh chứ gì?”. Đánh vào niềm tin và sự tin tưởng sẽ giúp đối phương rơi vào trạng thái bối rối mà. Nếu mọi câu trả lời của chàng không thỏa đáng thì chàng tức khắc sẽ dùng tới câu nói này.
Không biết, không nhớ
Để tránh bị đi vào những chi tiết, khi nói dối chàng cũng sẽ đối phó bằng những câu trả lời: “Anh không nhớ, anh không biết nữa”… Rõ ràng khi nhận được câu trả lời như vậy, bạn cũng chẳng khai thác thêm được gì mà chàng cũng không bị hớ, phải không?
Không cho bạn đụng vào máy tính, điện thoại cá nhân
Máy tính và điện thoại sẽ không bao giờ rời khỏi chàng. Bạn chẳng có cơ hội nào động đến những vật dụng ấy. Có điều gì nghi hoặc mà chàng muốn che giấu? Chắc chắn rồi.
Đây là dấu hiệu "kinh điển" tố cáo chàng. Nếu đường hoàng và thẳng thắn, chẳng đời nào lại không thích người yêu đụng vào vật dụng cá nhân cả.
Từng nói dối nhiều
Dĩ nhiên không thể đánh giá hiện tại mà dựa quá nhiều vào quá khứ. Nhưng với những anh chàng có “tiền sử” nói dối lâu năm thì thói quen nói dối ăn vào máu rồi. Đừng để bị mù quáng và đánh lừa bởi những thứ hào hoa trước mắt nhé.
Khó tìm kiếm và nắm bắt chàng
Đột nhiên chàng biến mất, khóa máy mà bạn không liên lạc được. Chàng có quá nhiều sim rác mà bạn không biết. Thậm chí bạn không biết rõ ràng về chàng chút nào, từ gia đình cho đến chỗ ở, học ở đâu, làm chỗ nào cụ thể....
Tình yêu dựa trên sự mơ hồ không đem lại điều gì bền vững. Và hãy đặt câu hỏi, vì sao ngay cả những điều nhỏ nhặt như vậy bạn còn không biết, thì bạn dựa vào đâu để tin tưởng người ấy?
Linh cảm của bạn
Vì là người yêu và là con gái nên bạn rất nhạy cảm. Hãy tin vào linh cảm của bạn, vì sự lừa dối của chàng chẳng dễ gì qua mặt được bạn đâu.
Ngoại trừ những lời nói dối trắng trợn để trấn an và làm bạn yên tâm, thì mọi lừa dối khác đều không được khuyến khích. Nói dối lâu sẽ thành thói quen, mà lừa dối trong tình yêu thì chẳng bao giờ đem lại kết quả tốt.