Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, thầy phó chủ nhiệm của chúng tôi đã luôn nhắn nhủ rằng, chỉ cần sau 3 năm ra trường thôi thì trong giờ dạy bản thân tôi có muốn cười cũng chẳng lấy đâu ra hơi sức và hào hứng để cười nữa.
Lúc ấy, tôi rất sợ và thất vọng. Tôi nghĩ đến viễn cảnh nếu mình làm một công việc gắn với mình cả đời mà chỉ sau vài năm đã chán nó, không tìm được niềm vui và lòng yêu đời từ nó thì tôi sẽ sống ra sao?
Chẳng lẽ, tôi sẽ giống như một cỗ máy đi đi về về trong suốt những năm tháng dạy học về sau? Đem lo lắng ấy giãy bày với thầy Chu Văn Sơn, thầy cười xòa và bảo: Cuộc sống là vị thần y tài giỏi nhất có thể chữa mọi chứng bệnh của con người trong đó có căn bệnh chưa chiến đấu gì đã lo mình thất bại - như tôi.
Hiểu ra, từ đó, tôi luôn cảm ơn câu nói đùa tếu của thầy. Chính câu nói ấy khiến tôi có thêm động lực để không ngừng cố gắng trong sự nghiệp trồng người cao quý, thiêng liêng mà hiện nay tôi vẫn đang miệt mài đảm nhiệm.
Không chỉ vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi đã nhận được sự giúp đỡ lớn lao từ thầy - người không bao giờ từ chối bất cứ thắc mắc nào của tôi về kiến thức chuyên môn cũng như luôn trả lời thẳng thắn trả lời "thầy không biết" một số kiến thức mà tôi hỏi.
Tinh thần cầu thị và trung thực của thầy đã cho tôi một bài học sâu sắc rằng trong cuộc đời có những người thầy, người cô dù thời gian qua đi bao lâu, họ vẫn là tấm gương đạo đức sáng ngời cho học trò noi theo trên con đường cuộc sống nhiều chông gai, vất vả.
Giờ đây, tôi còn có thêm “người thầy” khác, đã cho tôi rất nhiều điều quý giá trong quá trình giảng dạy và làm việc, đó chính là các học sinh của tôi.
Dù chưa bao giờ nói ra rằng chính nhờ các học sinh mà tôi đã trưởng thành và hiểu biết hơn rất nhiều nhưng học sinh luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm mà tôi dành cho các em cũng như các em đã đáp lại tôi bằng chính những tình cảm rất chân thật của mình. Đó là 10 điều quý giá mà tôi xin chia sẻ:
1. Bài học về học tập và sáng tạo không ngừng
Năm đầu tiên khi tôi mới ra trường, đứng trên bục giảng, mặc dù rất tâm huyết với bài vở, với học sinh nhưng trong giờ dạy, tôi luôn có cảm giác mình là người thất bại bởi đến chính bản thân tôi cũng không thể hiểu sâu từng bài học thì không thể nghĩ đến việc tôi sẽ nói ra các kiến thức quan trọng, trọng tâm của bài một cách ngắn gọn, rõ ràng cho học sinh hiểu được.
Tôi giảng rát cổ bỏng họng nhưng vẫn có rất nhiều học sinh mất trật tự, nhiều em cố nghe nhưng khi tôi hỏi lại cuối giờ thì các em bảo là không hiểu mấy.
Dần dần theo thời gian, tôi nhận ra rằng tôi cần phải có một bộ giáo án với cách dạy rõ ràng, ngắn gọn, đảm bảo đúng trọng tâm mới thuyết phục học sinh chú ý vào bài giảng của mình.
Năm thứ 4 trong nghề, tôi đã tạo ra được không khí nghiêm túc, trật tự trong giờ giảng mặc dù đối tượng học sinh trường tôi (Trường THPT Thái Hòa) là các học sinh có tỉ lệ mất trật tự cao nhất trong các trường THPT của tỉnh và khả năng tiếp thu kiến thức vào “top” thấp nhất so với các trường bạn.
Hiện nay, tôi đang hướng đến mục tiêu sẽ tạo ra các giờ dạy mà cả bản thân tôi và học sinh đều háo hức và làm việc hết mình. Một bộ óc sẽ không thể tạo ra được quá nhiều hiệu quả nhưng gần 40 bộ óc trong một giờ học sẽ phát hiện ra đúng hướng kiến thức đã yêu cầu trong phần mục đích bài học. Muốn làm được điều đó, tôi biết mình phải không ngừng học tập và sáng tạo.
2. Bài học về rèn luyện nhân cách và đạo đức
Nếu người giáo viên không phải là một tấm gương đạo đức và có nhân cách tốt thì sẽ không bao giờ nhận được từ học sinh sự kính trọng một cách tự nguyện. Nói thì rất dễ nhưng để thực hiện được điều đó thì không hề dễ dàng.
Nó đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải nỗ lực rèn luyện từng ngày, từng giờ hoàn thiện nhân cách xứng đáng với sự kỳ vọng của các học sinh.
Nếu người giáo viên là một tấm gương “tối” thì đồng nghĩa với việc chúng ta chẳng có điều gì tốt đẹp đáng để học sinh học tập và yêu mến, tự hào về chúng ta cả.
3. Bài học về nhận sai và sửa sai
Một câu nói mà tôi rất thường được nghe khi tôi nhắc một học sinh về một hành vi sai trái nào. Đó là “Người lớn cái gì chẳng đúng, chỉ có trẻ con là sai thôi”.
Tôi giật mình không phải vì thái độ cãi chày cãi cối của học sinh mà là vì nhận ra thái độ nhận sai của người lớn nhiều khi có vấn đề.
Nhiều người trưởng thành trong đó có cả các giáo viên có suy nghĩ rằng cho dù mình sai (sai về một kiến thức chuyên môn nào đó hoặc một thái độ ứng xử nào đó) cũng không bao giờ nhận sai với học sinh vì như thế học sinh sẽ nghĩ mình không phải là người thầy, người cô giỏi.
Chính thái độ như vậy nhiều khi khiến cho học sinh bất bình và tạo ra thói quen có lỗi không bao giờ nhận và sửa của nhiều em.
4. Bài học về đức tính khoan dung và biết giữ lời hứa
Ai cũng biết giữ lời hứa sẽ tạo được sự tin cậy vô điều kiện từ mọi người xung quanh nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm thực hiện mọi điều mà mình đã hứa với người khác.
Ai cũng nhận ra khoan dung là một đức tính tốt đẹp nhưng không phải ai cũng có thể dành cho mọi người thái độ khoan dung. Chính vì vậy, để luôn là người giữ lời hứa, trong mấy năm gần đây tôi chỉ dám hứa với học sinh, với mọi người những lời hứa hẹn mà bản thân tôi biết chắc chắn mình có thể làm được.
5. Bài học về khả năng kiểm soát bản thân và nỗ lực đến cùng giải quyết rắc rối nhằm tạo ra một bài giảng hoàn hảo
Một điều mà tôi rất may mắn nhận ra trong quá trình dạy học và tiếp xúc với học sinh là trước khi tôi muốn kiềm chế được học sinh (mà chủ yếu kiềm chế được những em học sinh có thái độ và hành vi sai trái) thì tôi phải kiềm chế và kiểm soát được bản thân mình trước.
Tôi đã từng được học sinh hỏi những câu hỏi mà về mặt ý nghĩa rất tục tĩu cũng như nhận được rất nhiều thái độ thi gan, thách thức và những lời xúc phạm từ nhiều học sinh cá biệt. Những lúc ấy, tôi luôn cố gắng ép bản thân mình phải bình tĩnh nhằm nghĩ ra cách giải quyết.
Vấn đề quan trọng hàng đầu lúc ấy xuất hiện trong đầu tôi là phải làm sao để học sinh nhận ra các em ấy đã sai sau đó mới đến cách xử lý vấn đề.
Các thầy, cô giáo ở các trường mà học sinh chăm ngoan, đến lớp chú tâm vào giờ học nếu phải dạy một giờ ở trường tôi những năm trước mới thấy hết được nỗi vất vả của các thầy, cô giáo ở trường tôi đổ ra để duy trì được một tiết học trật tự.
6. Bài học về tinh thần thân thiện, cởi mở, và luôn biết tôn trọng mọi người xung quanh
Cũng nhờ học sinh mà tôi nhận ra được nếu tôi cho đi những gì thì tôi sẽ nhận lại những thứ tương tự như thế. Giờ đây, tôi có thể trao cho các học sinh của mình thái độ thân thiện, cởi mở và tôn trọng.
Mỗi một tiết học, tôi luôn tự nhủ với mình phải vào lớp trong trạng thái vui vẻ và tích cực nhất, chuẩn bị tâm thế tốt nhất và dẹp bỏ toàn bộ những cảm xúc tiêu cực (nếu có) cùng những rắc rối của bản thân bên ngoài cửa lớp.
Tôi luôn cố gắng không đánh giá và phán xét một cách quá nghiêm khắc, dùng những từ ngữ nặng nề, quy chụp, mặc dù đôi lúc rất thất vọng về một học sinh cụ thể.
Vì tôi đã thể hiện tốt nhất thái độ tôn trọng của tôi đối với học sinh, đối với mọi người nên đến lượt mình, tôi có quyền đòi hỏi sự tôn trọng của học sinh, của bất kỳ ai dành cho mình.
7. Bài học về sự kiên trì và nhẫn nại
Đức tính kiên trì và nhẫn nại là hai đức tính đặc thù của giáo viên. Trước kia, tôi cứ nghĩ mình sẽ không thể là một giáo viên tốt bởi tính “cả thèm chóng chán”. Tôi vẽ ra rất nhiều ý tưởng, những việc rất thú vị và hăm hở bắt tay vào thực hiện.
Nhưng chỉ qua một thời gian, tôi đã lập tức chán ngấy công việc mà ban đầu tôi yêu thích. Nhưng kể từ khi đứng trên bục giảng, vẫn là những kiến thức ấy, những học sinh ấy, những công việc ấy nhưng tôi luôn cảm thấy mới mẻ và vui thích. Giờ nếu ai có hỏi tôi thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời là tôi thích hợp với công việc dạy dỗ hơn bất kỳ công việc nào khác.
8. Bài học về tình yêu thương
Năm ngoái, tôi nghe một học sinh tâm sự rằng em ấy đang rất tuyệt vọng vì lúc còn bé em học rất giỏi nhưng kể từ năm em học lớp 8 bị gãy tay, phải bỏ lỡ kỳ thi học sinh giỏi thì từ đấy thái độ của bố em với em khác hoàn toàn.
Câu chuyện làm tôi tức giận bừng bừng. Tôi không thể tưởng tượng nổi có người cha, người mẹ nào lại chỉ yêu con cái của mình khi đó là một người lành lặn, giỏi giang.
Tôi đã động viên em rất nhiều để em vượt qua mặc cảm tự ti của bản thân và thực sự vui mừng vì giờ đây em ấy đã hoà đồng với bạn bè, đã nở nụ cười khác hẳn với vẻ tự ti, ủ dột của trước kia.
Học sinh trong lớp đã chứng kiến cơn giận bốc lên ngùn ngụt ở một người vốn nổi tiếng không bao giờ cáu giận như tôi khi đó là câu chuyện của một học sinh bị đối xử bất công bằng. Từ tình yêu thương dành cho học sinh, tôi hiểu rằng mình cần phải yêu thương gia đình, chồng con hơn nữa.
9. Bài học về sự tinh tế và đem đến cho người khác thứ mà họ cần chứ không phải thứ mà tôi có thể cho đi
Nhờ luôn lắng nghe tâm sự của các học sinh (mà chủ yếu là các rắc rối và nỗi buồn), tôi thấy mình tinh tế và nhạy cảm hơn để nhận ra những học sinh nào đang là đối tượng rất cần sự giúp đỡ.
Hầu như tôi chưa từ chối bất cứ đề nghị giúp đỡ nào từ phía học sinh. Tôi thấy tự hào khi tôi đã có thể ngăn chặn được rất nhiều hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với học sinh vì đã can thiệp đến các em kịp lúc.
10. Bài học về tinh thần lạc quan, vui vẻ, dũng cảm trước cuộc sống
Và cuối cùng, tôi học được từ học sinh một thái độ sống lạc quan, vui vẻ. Mỗi khi có ai đó mà tôi gặp ngoài đời nhận xét rằng tôi có tư duy rất trẻ trung và yêu đời mãnh liệt, tôi đều thầm cảm thấy may mắn vì mình đã được làm việc trong một môi trường luôn tươi trẻ.
Tôi muốn cảm ơn các em học sinh thân yêu của mình vì chính các em đã cho tôi nhiều bài học quý giá để tôi luôn giữ được cho mình một lối sống tốt đẹp, một trái tim trong sáng như thưở tôi 17 và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên đường đời.