Những bài học của thầy Vang

Thầy Nguyễn Trọng Vang dạy môn toán thời THCS của tôi. Nhà thầy rất nghèo, hai đứa con bị tật nguyền trong khi vợ thầy mất sớm.

Những bài học của thầy Vang

Đồng lương sư phạm ngày ấy bèo bọt, vậy mà ban đêm thầy vẫn tổ chức một lớp học miễn phí cho lũ học trò nghèo.

Tôi nhớ nhiều hôm đang dạy, thầy phải ngưng lại mấy phút để ho. Có hôm chúng tôi muốn tan học sớm để thầy nghỉ ngơi nhưng thầy bảo “không sao”. Còn nhớ ngày đó, trong một buổi tối, có hai bạn cãi vã vì lấy nhầm dép của nhau.

Biết chuyện, thầy không vội vã truy hỏi mà nhẹ nhàng: “Các con cứ tập trung vào bài giảng đi, chuyện đó chúng ta sẽ nói sau”. Không biết bằng cách nào, trong khi giảng bài, thầy vẫn ngờ ngợ ra người “lấy nhầm” dép của bạn (nói là nhầm dép nhưng thật ra là vì một bạn gia đình khó khăn, không có nổi đôi dép nên mới lấy của bạn).

Thầy Vang nhắc nhở: “Thầy biết hoàn cảnh của các con giống nhau. Lỗi là do những đôi chân đen như củ khoai nướng phải xỏ vào những đôi dép rách tươm...”.

Sau lần đó thầy khuyến khích chúng tôi phấn đấu để được thưởng đôi dép mới, cái áo cộc, chiếc quần đùi dưới hình thức “treo giải”.

Đứa được nhiều điểm 10 sẽ được thưởng đôi dép mới, đi học chăm chỉ đúng giờ trên lớp cũng được nhận cái áo, đến đứa chăm chỉ ra đồng mò cua bắt ốc giúp bố mẹ cũng được thầy Vang khuyến khích cho chiếc quần mới để đến trường.

Thằng Lực nghèo, đi mãi đôi dép nhựa đứt quai được hàn đi hàn lại bằng thanh thép nung nóng. Tuy chẳng được điểm 10 nào nhưng Lực lại đỡ đần được bố mẹ rất nhiều, thầy hỏi cả lớp: “Bạn Lực có xứng đáng nhận được đôi dép mới này không các con?”.

Cả lũ cùng đồng thanh: “Dạ, có ạ”. Thế là thằng Lực có dép mới để đi. Cứ như vậy, con trai lẫn con gái cả thảy 13 đứa đều được thầy thưởng dép mới hoặc quần áo mới.

Bố mẹ chúng tôi quý thầy lắm, nhà thu hoạch được gì cũng sai chúng tôi đem biếu thầy. Nhớ có lần tôi đến nhà thầy khá sớm. Trong ánh điện mờ, nhìn ba bố con thầy bên mâm cơm chỉ có bát nước chấm và đĩa rau muống luộc.

Sau này tôi mới biết thầy bị bệnh phổi và huyết áp cao nên tốn tiền thuốc. Vậy mà thầy vẫn dạy không công cho chúng tôi, lại còn chắt chiu tiền mua dép, mua áo quần để trao giải cho học trò, bởi với thầy: “Các trò như con của thầy thôi, mấy đồng bạc lấy làm gì phải tội”.

Lũ học trò ngày nào giờ đứa trở thành kỹ sư, đứa trở thành kế toán, đứa trở thành cử nhân... nhưng thầy Vang thì đã ra đi vì căn bệnh ung thư phổi cách đây gần 20 năm. Nhưng tấm lòng của thầy, những món quà thầy “trao giải” chúng tôi còn trân trọng mãi.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ