Phòng chống dịch bệnh trong trường học
Sau khi TPHCM chính thức công bố dịch trên quy mô xã, phường, Long An ghi nhận trẻ 4 tuổi mắc bệnh và đặc biệt có 3 trẻ được ghi nhận mắc chứng đầu nhỏ (dù chưa rõ nguyên nhân), các chuyên gia dịch tễ bày tỏ quan ngại về khả năng bùng phát dịch Zika, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, Tây Nguyên và miền Trung do đang là mùa mưa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương tiến hành diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy lần 2. Bộ Y tế nhấn mạnh việc xử phạt nghiêm khắc tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Là nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc đồng thời nguy cơ bùng phát dịch cao nhất, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành rà soát vùng tập trung nhiều muỗi để xử lý, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cùng vào cuộc để chẩn đoán, xét nghiệm người mắc bệnh.
Vừa qua, Sở GD&ĐT thành phố cũng có thông báo về việc tăng cường công tác phòng dịch trong trường học. Theo đó, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Việc diệt muỗi, bọ gậy cần thực hiện định kỳ hàng tuần bằng việc đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước; Thay nước bình hoa, bình bông; Bỏ muối hoặc dầu vào chén nước kê chân giường tủ. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ... và tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Tất cả trường học phải thực hiện tổng vệ sinh trường lớp bảo đảm tuyệt đối trường học không có loăng quăng. Phối hợp với địa phương tổ chức ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh nhằm vận động học sinh, sinh viên tham gia làm sạch vệ sinh môi trường tại trường học, khu dân cư.
Giám sát bệnh viện, cửa khẩu
Là địa phương đứng thứ 2 về giao thương, du lịch, Hà Nội cũng triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với dịch. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 2.500 trường hợp bị sốt xuất huyết, giảm 55% so với cùng kỳ và chưa phát hiện bệnh nhân mắc Zika.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Hà Nội thực sự an toàn trước dịch bệnh. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, dù các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika tại Hà Nội được thực hiện khá chủ động và bài bản nhưng đề phòng dịch bệnh lan rộng, từ nay đến cuối năm ngành tập trung vào việc tuyên truyền, tổ chức giám sát, phát hiện Zika theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời đẩy mạnh việc tập huấn cho các cơ sở y tế địa phương về phòng chống virus Zika.
Các cơ sở sản khoa của thành phố cần tăng cường giám sát chặt chẽ đối với những phụ nữ mang thai đến khám, đặc biệt những người có biểu hiện như sốt, sốt phát ban, đau cơ, đau mắt… để kịp thời làm các xét nghiệm khi cần thiết.
Tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh bằng cách tăng cường kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt.
Đối với hành khách đến từ các vùng đang có dịch bệnh do virus Zika phải áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng: So với sốt xuất huyết, virus Zika không đáng sợ với người nhiễm, kể cả trẻ nhỏ bởi triệu chứng nhẹ, thường tự khỏi hoặc điều trị, theo dõi đơn giản.
Nhưng cũng vì người mắc ít có triệu chứng điển hình nên lại nguy hiểm với người đang mang thai, chuẩn bị mang thai. Do vậy, các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh như mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày...
Ông Phu khuyến cáo, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các bà bầu cần khám thai định kỳ, trong đó 3 tháng đầu cực kỳ quan trọng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đi khám ngay.
- Miền Bắc chưa phát hiện Zika nhưng bệnh có thể bùng phát, vì thế không được chủ quan, phải tăng cường giám sát, theo dõi, tư vấn cho thai phụ để có hướng xử trí phù hợp.
- Tại khu vực phía Nam, nếu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh, nhà trường có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. Hiện 30 bệnh viện trên địa bàn TPHCM thực hiện tầm soát virus Zika miễn phí.