Giới phân tích đặt câu hỏi: Trong lúc bận rộn như vậy, Aleksandar Vucic đến Moskva làm gì? Liệu Nga có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử ở Serbia như thế giới phương Tây vẫn đồn đoán?
Chuyến thăm với nhiều câu hỏi
Phái đoàn Serbia do Thủ tướng Aleksandar Vucic dẫn đầu đã đến Moskva hôm thứ Hai. Ngoài Thủ tướng Serbia còn có Bộ trưởng Quốc phòng Zoran Djordjevic và Bộ trưởng Nông nghiệp Aleksandar Vulin.
Theo các nguồn tin, chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Serbia với mục đích đẩy mạnh hợp tác quân sự và du lịch giữa hai nước. Ông Aleksandar Vucic cho biết, ông có cuộc “nói chuyện riêng thân mật” với Tổng thống Nga V.Putin và phái đoàn Serbia có cuộc họp riêng với các quan chức chính phủ Nga.
Theo Aleksandar Vucic, chủ đề cuộc đàm phán Nga - Serbia là hợp tác kinh tế, đặc biệt là hợp tác sản xuất và xuất khẩu vũ khí. Serbia sẽ mua vũ khí hiện đại của Nga.
Tuy nhiên, theo báo “Kommersant” của Nga, nội dung cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Aleksandar Vucic và Tổng thống Nga V.Putin ít người được biết. Theo lời người phát ngôn điện Kremlin D.Peskov thì ở Nga, Thủ tướng Aleksandar Vucic không ký một tài liệu nào “mang tính bước ngoặt” trong quan hệ giữa hai nước.
Tất cả những phát ngôn trên khiến không ít người nghi hoặc về việc Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic đến Moskva để tranh thủ sự ủng hộ của Moskva trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Mọi suy diễn đều có logic của nó. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Vucic đến Moskva một tuần trước cuộc bầu cử.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông sẵn sàng đến thăm Moskva với bất cứ định dạng nào. Và Vucic - không phải là chính trị gia châu Âu đầu tiên đang cố gắng để kiếm được một số phiếu bầu bổ sung trong cuộc bầu cử, bổ sung điểm xếp hạng do có quan hệ hữu hảo với Nga.
Moskva không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Serbia
Đó là tuyên bố của người phát ngôn điện Kremlin D.Peskov trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Moskva của Aleksandar Vucic.
Theo lời D.Peskov, cuộc gặp gỡ là hết sức minh bạch, được lên kế hoạch rất lâu trước khi chuyến thăm diễn ra.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kết quả của rất nhiều cuộc bầu cử trên toàn thế giới, thậm chí cả cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ở Mỹ cách đây chưa lâu đều bị ảnh hưởng bởi “yếu tố Nga”.
Trên thực tế, Moskva không can thiệp, không tác động vào bất kỳ cuộc bầu cử nào (theo lời D.Peskov), nhưng “ảnh hưởng của Nga vẫn là một bằng chứng về sự tồn tại của nó”.
Tại sao lại như vậy?
Khác với Mỹ, Nga không tài trợ cho hàng chục ngàn tổ chức “phi chính phủ” trên khắp thế giới để “truyền bá dân chủ”, để kích hoạt các cuộc cách mạng màu. Nga đơn giản chỉ tồn tại theo cách của mình, như một tấm gương có sức lan tỏa rộng rãi.
Thực tế thì thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, thế giới bị chi phối bởi một hệ thống duy nhất - phương Tây. Và như vậy, cuộc khủng hoảng toàn cầu là một cuộc khủng hoảng của hệ thống phương Tây, của các giá trị phương Tây.
Chính vì vậy, người dân của các quốc gia cổ điển phương Tây, nhất là ở Đông Âu rất cần một hệ thống thay thế. Và họ đã nhìn thấy nó ở Nga. Tổng thống Nga V.Putin trở nên nổi tiếng trước các chính trị gia ở nhiều nước Tây Âu. Vì vậy, Nga không thực sự can thiệp vào các chiến dịch bầu cử ở các nước châu Âu, nhưng ảnh hưởng của nó thì vẫn có.
V.Putin hy vọng cho sự phát triển tích cực của quan hệ giữa Nga và Serbia. Trở lại cuộc bầu cử ở Serbia, trong một bản hợp âm cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Aleksandrar Vucic đã tổ chức một chuyến thăm tới Moskva và nói chuyện với Putin về hợp tác quân sư - kỹ thuật...
Đó cũng là chuyện thường tình trong quan hệ quốc tế sôi động đang diễn ra hiện nay.