Đào tạo trực tuyến cần lấy chất lượng chuẩn đầu ra làm căn cứ

GD&TĐ - Hầu hết các trường đại học đã chuyển từ dạy học truyền thống sang đào tạo trực tuyến nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, thời gian qua nhà trường có 800 học phần được giảng dạy trực tuyến, hàng chục nghìn sinh viên đã theo học các lớp học đó.

“Khó khăn lớn nhất là nhận thức, bởi vì nhiều thầy cô giáo vẫn bảo thủ theo cách dạy học truyền thống với bục giảng và phấn trắng, bảng đen... nhưng bây giờ thì khác, đã đến lúc phải thay đổi tư duy, hành động và nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ trong GD-ĐT” – GS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Theo GS Phạm Quang Minh, cách đây 4 năm Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chủ động thay đổi hình thức dạy - học, kết hợp giữa hình thức Online với hình thức học tập tổng hợp.

Tới đây, nhà trường sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động góp phần tăng cường “năng lực số” cho các cơ sở GD-ĐT và những người quan tâm.

GS Phạm Quang Minh cho rằng, muốn xây dựng một quốc gia số, không có cách nào khác là chúng ta phải đào tạo một thế hệ công dân số. Đó sẽ là những công dân không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà còn có ý thức, thái độ, hành vi tốt.

Trong kỷ nguyên số và công nghệ, thái độ, hành vi cũng quan trọng không kém, thậm chí là còn quan trọng hơn trình độ, bởi chính thái độ và hành vi sẽ định hình nhân cách của mỗi công dân.

“Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cam kết sẽ tham gia tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao nhất vào sự nghiệp đổi mới GD-ĐT, nhằm đào tạo một thế hệ công dân số vì một Việt Nam phát triển toàn diện và bền vững” – GS Phạm Quang Minh nói.

Đào tạo trực tuyến không nên làm theo phong trào. Ảnh minh họa/internet
Đào tạo trực tuyến không nên làm theo phong trào. Ảnh minh họa/internet

TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, nhà trường có rất nhiều giải pháp trong công tác đào tạo để thích ứng với đại dịch Covid-19.

“Nếu nói dịch Covid-19 là cơ hội để đổi mới thì tôi cho rằng chỉ đúng một nửa, chúng ta sẽ phải suy xét, đánh giá rất kỹ. Chúng ta không nên đi theo phong trào.

Tôi nói "đúng một nửa" tức là tất cả những việc có thể chuyển đổi số mà không tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo thì chúng ta có thể làm được ngay” – TS Hoàng Xuân Hiệp trao đổi.

Cũng theo TS Hoàng Xuân Hiệp, chuyển đổi số mà làm ào ào theo kiểu phong trào thì không được. Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường đại học có tính kỹ thuật, công nghệ.

Nhưng nếu đào tạo kiến thức, kỹ năng về mặt kỹ thuật thì bắt buộc các em phải vào các phòng thí nghiệm, các phòng thực hành học một cách trực tiếp.

Cho nên nếu những học phần liên quan đến thực hành, thí nghiệm hoặc nhất là thực tập nghề nghiệp thì không thể làm trực tuyến được, bắt buộc chúng ta vẫn phải đào tạo trực tiếp.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, tiêu chí để chuyển đổi hoàn toàn hoặc một phần sang đào tạo trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid -19 cần phải lấy chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra làm căn cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.