Thúc đẩy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp
Sáng 1/3, Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức Diễn đàn “Hành trình học sinh, sinh viên khởi nghiệp”.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực giúp khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trung cấp và một số trường trung học phổ thông.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả hoạt động của Trường ĐH Mở Hà Nội trong công tác hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động hướng nghiệp, kết nối doanh nghiệp trong những năm vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại diễn đàn. |
Để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia một cách toàn diện, theo Thứ trưởng cần đến một số các yếu tố cốt lõi như: Tài năng, chính sách, văn hóa, nguồn vốn… Trong đó, ngành Giáo dục đảm nhiệm 2 yếu tố quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp là: Vấn đề tài năng và hình thành văn hóa khởi nghiệp.
Thứ trưởng thông tin, tới đây, Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023. Vòng chung kết cuộc thi dự kiến sẽ được tổ chức tại Chương trình Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên diễn ra cuối tháng 3 tại Huế.
Đề cao hiệu quả và tính lan tỏa của chuỗi hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong 3 năm gần đây; PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023 của nhà trường đã thu hút đông đảo các đội thi đến từ các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội tham gia.
Điều này khẳng định tinh thần khởi nghiệp đã được cộng hưởng và lan tỏa. Từ đó, tạo đà nâng cao chất lượng của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển nhà trường theo hướng bền vững, tạo cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên trong thị trường nhân lực chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu tại diễn đàn. |
Cần có ý tưởng và đam mê khởi nghiệp
Nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho học viên sinh viên có điều kiện tốt nhất phát huy sức sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Mở Hà Nội đã quyết định đầu tư một không gian để các câu lạc bộ, các nhóm ý tưởng khởi nghiệp sinh hoạt chuyên môn, gặp gỡ các chuyên gia, các nhà đầu tư và cùng nhau trao đổi những kinh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung cho hay, những ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng của sinh viên sẽ được nhà trường tiếp tục hỗ trợ để có thể tiếp cận gần hơn với các đơn vị, doanh nghiệp và tham gia vào sân chơi khởi nghiệp lớn hơn.
“Đối với các thầy cô giáo, chúng tôi kỳ vọng sẽ luôn đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp dẫn dắt định hướng, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng. Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện. Mặt khác, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên” - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung bày tỏ.
Các đại biểu tham gia diễn đàn. |
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, cần quan tâm, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, sinh viên được nghe chia sẻ của các diễn giả là các doanh nhân đã và đang tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp. Các diễn giả nhấn mạnh đến vai trò của phát triển tinh thần khởi nghiệp, đồng thời chia sẻ mong muốn và hỗ trợ phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova và các diễn giả trao đổi với sinh viên về hành trình khởi nghiệp. |
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova – chia sẻ, yếu tố đầu tiên của khởi nghiệp không còn là câu chuyện tiền đâu, mà quan trọng các em cần có ý tưởng khởi nghiệp.
Trước khi Startup, chúng ta nên quan tâm đến việc học tập, phát triển bản thân mình của lĩnh vực Startup. Ngoài ra, các em là cần có đam mê và sở thích. Thời gian đầu, có thể sẽ đối diện với khó khăn, thách thức nhưng các bạn chưa nên nản chí, hãy biến khó khăn, thách thức thành động lực và cơ hội cho mình. Các em có thể tìm đến các chuyên gia để được tư vấn, để có những bước đi phù hợp.
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trao đổi, đặt câu hỏi với các diễn giả. |
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, gọi tắt là Đề án 1665 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 30/10/2017 giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện. Sau 5 năm triển khai, Đề án đã thực sự khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các cơ sở đào tạo và một số trường THPT trên toàn quốc. Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị hữu quan đã tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.