Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định, Khoa học và công nghệ có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội cũng như ngành Giáo dục nói chung.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung cho hay, thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung vào một số định hướng trọng tâm như: triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Trường ĐH Mở Hà Nội giai đoạn 2017-2026, tầm nhìn đến năm 2035; chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, ưu tiên các nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ chính trị và sứ mạng của Nhà trường
Đồng thời, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của nhà trường. Hình thành các Viện trong trường theo mô hình nâng cao vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp với hoạt động đào tạo đại học, sau đại học.
“Nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giảng viên đi làm nghiên cứu sinh để nâng cao tỷ trọng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Đối với các nhóm nghiên cứu, đề nghị các thầy/cô tích cực tổ chức các sinh hoạt chuyên đề khoa học, phát huy vai trò hạt nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường, đồng thời phát huy vai trò của mỗi nhà khoa học trong việc đề xuất và đăng ký, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học các cấp” - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.
Ngoài ra, thời gian tới Trường ĐH Mở Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong trường; rà soát và hoàn thiện các quy trình và thống nhất các mẫu văn bản quản lý, các đơn vị chức năng phải làm thế nào khích lệ, tạo không khí thuận lợi, hỗ trợ ở mức tối đa để các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của Nhà trường có động lực, an tâm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo hướng hợp tác thực hiện các hoạt động khoa học, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao, tư vấn với tư cách chuyên gia.
Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đặc biệt hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, phối hợp nghiên cứu chung với đối tác là các trường đại học mở trên thế giới nhằm tăng cường năng lực, chất lượng đào tạo mở, từ xa và xây dựng xã hội học tập phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Theo báo cáo của Trường ĐH Mở Hà Nội, năm học 2021-2022, Nhà trường đã và đang thực hiện 2 đề tài cấp Quốc gia, trong đó 1 đề tài chuyển tiếp từ năm 2018 thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 và 1 đề tài thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển mới được phê duyệt năm 2021.
Hiện tại, Trường ĐH Mở Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện 14 đề tài KH&CN cấp Bộ; trong đó có 11 đề tài chuyển tiếp từ năm 2019, 2020, 2021 và 3 đề tài được giao từ năm 2022.
Các đề tài chủ yếu tập trung vào các chuyên ngành như: Công nghệ thông tin, Điện tử, Công nghệ Sinh học, Ngôn ngữ, Du lịch và Luật. Các đề tài cấp Bộ do Trường chủ trì thực hiện đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình đào tạo của sinh viên, học viên thuộc các chuyên ngành khác nhau và góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước.
Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, các tạp chí chuyên ngành và hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo, sách tham khảo, giáo trình, học liệu hay các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, đã có hơn 100 tập thể, cá nhân được vinh danh khen thưởng.