Phát biểu tại Chương trình, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, trong gần 30 năm qua, nhà trường luôn chú trọng đầu tư cho sự phát triển toàn diện của người học. Nhà trường đã cung cấp cho xã hội hơn 200.000 tiến sĩ, thạc sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và cử nhân, đóng góp tích cực vào thị trường nhân lực chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung khẳng định: Việc khai trương Cổng thông tin khởi nghiệp HOU đã đặt nền tảng đầu tiên cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trường ĐH Mở Hà Nội.
Tại đây, những chủ trương, chính sách về sáng tạo khởi nghiệp được lan toả; các tấm gương tiêu biểu trong khởi nghiệp, những kinh nghiệm về khởi nghiệp sẽ được chia sẻ. Những bài học hay, những kinh nghiệm quý từ thực tiễn sẽ giúp ước mơ và những ý tưởng khởi nghiệp rút ngắn thời gian đi đến hiện thực. Cũng từ đây, cổng thông tin khởi nghiệp của nhà trường sẽ được kết nối và trở thành thành viên của mạng lưới khởi nghiệp quốc gia.
Ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả và tính lan tỏa của chuỗi hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong 2 năm gần đây, trong đó nổi bật là Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021; PGS.TS Nguyễn Thị Nhung hy vọng và tin tưởng: 8 dự án lọt vào vòng chung kết của Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm nay, sẽ là những hạt nhân nòng cốt để lan tỏa và thắp sáng tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo giảng viên và học viên, sinh viên của nhà trường.
Từ đó, thúc đẩy và nâng cao chất lượng của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của nhà trường theo hướng bền vững; tạo cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên trong thị trường nhân lực chất lượng cao.
Tại chương trình, ông Bùi Tiến Dũng – Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Bộ GD&ĐT – cho biết: Bộ đang hoàn thiện thông tư quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các cơ sở giáo dục.
Hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đây là nguồn lực lớn nhằm hỗ trợ các dự án nghiệp khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên cũng như nhà trường. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ sớm hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các cơ chế chính sách trong năm 2022.
Nhân dịp này, Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Hành trình khởi nghiệp sinh viên”, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, giảng viên, sinh viên của nhà trường.
Thông qua diễn đàn này, giúp sinh viên nhận diện những thuận lợi, khó khăn và thách thức có thể xảy ra trong quá tình lập nghiệp, khởi nghiệp; từ đó có những tính toán và bước đi phù hợp, hiệu quả.