Chuyện tình “hoa hồng” của Thủy và Long nổi tiếng ký túc xá. Chàng âm thầm chinh phục nàng suốt nửa năm trời bằng những bông hồng giấu trong ngăn bàn và những bài thơ tình lãng mạn.
Chàng “kỵ sĩ Kilombo” giấu mặt trở thành đề tài nóng hổi của cả khóa học mỗi sáng.
Khi Thủy không kiềm chế được tình cảm, gửi lại lời nhắn muốn gặp mặt thì chàng đã xuất hiện dưới sân trường, đứng trong trái tim kết bằng hoa hồng, cầm ghi ta hát bài: “You are my love, you are my soul”.
Thủy ngợp thở trong tình yêu. Suốt 4 năm Đại học, hai người gắn với nhau như hình với bóng.
Họ từng có thời gian dài say mê đắm đuối. Ảnh minh họa.
Thủy thèm ăn ômai, Long sẵn sàng đạp xe từ Nguyễn Trãi lên tận Hàng Đường mua ômai cho nàng. Long sốt xuất huyết, tụt hồng cầu, Thủy tình nguyện hiến máu. Nàng bị tai nạn bị gãy bàn chân, ngày nào Long cũng cõng nàng lên lớp… Đương nhiên, chuyện tình kết thúc có hậu bằng đám cưới ngay sau lễ tốt nghiệp.
Họp lớp sau 5 năm ra trường, bạn bè xôn xao khi nghe tin Thủy và Long chuẩn bị chia tay. Mấy cô bạn thân kéo Thủy vào một góc quan tâm, hỏi han. Thủy lắc đầu ngán ngẩm. “Ngay tuần trăng mật đã say mèm 3 ngày. Thế rồi mượn cớ công việc đi tối ngày, lúc nào về nhà cũng có mùi bia rượu. Mà các cậu có tưởng tượng được anh chàng bóng bẩy đó trở thành một gã bẩn thỉu, lôi thôi không?
Đi tất 3 ngày không thèm thay, đi tắm, gội đầu vợ cũng phải lôi vào tận nhà tắm xối nước. Về nhà nằm ườn trên ghế, mặc vợ muốn quay như chong chóng với con cái, cơm nước. Những chuyện như xách nước cho nàng tắm, bóp vai khi nàng mỏi, rồi đọc thơ, kể chuyện cho nàng cười… đều trở thành dĩ vãng. Tớ như bị lừa vậy”.
Góc bên kia, Long cũng ngật ngưỡng cùng chén rượu: “Chẳng biết ai bị lừa. Cô nàng yểu điệu, yêu kiều ngày xưa bỗng chốc lèm bèm, ca thán suốt ngày. Chồng có uống say về thì cũng phải chăm sóc, đằng này để mặc chồng nằm dưới sàn nhà.
Cô ta cũng ích kỷ, chẳng thích quan tâm đến nhà chồng, lúc nào cũng đòi hỏi: Anh phải làm thế này, em thích thế kia.
Lúc chồng bị mệt đến bát cháo hành cũng chẳng có. Đã thế còn vụng về chuyện bếp núc, nấu cái gì cũng không nuốt nổi”.
Anh em cười ầm, nhắc chuyện ngày xưa ăn chung gói mỳ tôm sao vẫn thấy tươi như hoa, Long thở dài: “Có lẽ hồi đó ăn cám cũng ngon. Giờ ăn toàn đồ thịt cá lại thấy đắng”.
Rất nhiều cặp vợ chồng lâm vào tình cảnh của Thủy và Long. Họ hoang mang tự hỏi phải chăng mình vớ phải người bạn đời giả dối, sống hai mặt. Lúc yêu thì đeo mặt nạ tử tế, hào nhoáng, còn lúc thành vợ chồng thì hiện nguyên hình.
Trước yêu nhau bao nhiêu giờ họ lại ghét nhau bấy nhiêu. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, khá nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn với nhau ngay những năm đầu chung sống, đôi khi vì những lý do rất vụn vặt. Đây là giai đoạn các nhà tâm lý gọi là thời kỳ “những chiếc mặt nạ rơi xuống”.
Nhiều người quan niệm, sau đám cưới, tình yêu đã được đeo một cái "xích" to tướng, không thể chạy đi đâu nữa. Nếu là đàn ông sẽ để "quên" vợ ở trong nhà, đi lo những việc "trọng đại" hơn (sự nghiệp, tiền bạc, bạn bè) hoặc sa đà vào các thú vui đã "để quên" mất thời còn bận "chinh phục" nàng (chơi bời, nhậu nhẹt). Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ "quên" luôn những sự ga lăng, lịch sự đã khiến vợ mình tin cậy, yêu thương.
Còn phụ nữ thì cậy quyền làm "vợ" nên buông thả trong sinh hoạt, đua đòi ăn diện hoặc thiếu chăm sóc dung nhan, thiếu quan tâm đến chồng con, cẩu thả việc nội trợ, hay trịnh thượng, thiếu những lời "có cánh" khiến chàng hân hoan, sung sướng như xưa.
Đây không phải là sự “giả dối” mà một số bạn trẻ vẫn cảm thấy như “bị lừa” mà chỉ là sự biến đổi trạng thái cảm xúc giữa hai thời kỳ yêu nhau và kết hôn. Khi đang yêu, muốn chinh phục người yêu, muốn “ghi điểm” với nàng (chàng), ai cũng có nhu cầu được tự thân chăm sóc, chiều chuộng, hết lòng vì người yêu, vươn đến những “chuẩn mực” của người đàn ông và phụ nữ hoàn hảo.
Còn khi đối diện với những lo toan thường nhật của hôn nhân, đàn ông và phụ nữ phải thay đổi nhu cầu, hành vi thậm chí là mục đích sống. Ngày trước lãng mạn, giờ vì tiền, trước dịu dàng, sau đòi hỏi; trước chinh phục, sau “mặc kệ”…