Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT), Trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) vừa tổ chức thành công Khoá tập huấn Project Design Innovation (PD Innovation) cho gần 90 giảng viên tại các Khoa/Viện thuộc trường.
Với chủ đề “Ứng phó và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, giảng viên tham gia khoá tập huấn trải nghiệm đóng vai trò như sinh viên. Thầy cô làm việc theo nhóm chủ động, tích cực tìm hiểu phát hiện các vấn đề và xây dựng nhiều giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở cộng đồng.
Nhiều ý tưởng giải pháp nhận được đánh giá tích cực như: Dự án cung cấp thực phẩm tươi sống online cho khu dân cư TP HCM trong thời điểm dịch Covid-19; Giải pháp hạn chế người dân rời khỏi vùng dịch; Ứng dụng hỗ trợ y tế gia đình trong mùa dịch; Thúc đẩy giao nhận hàng an toàn mùa dịch hay Phát triển máy trợ thở...
Tại khoá tập huấn, thầy cô đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng đề tài dự án, phương pháp hướng dẫn sinh viên phát triển đề tài, phương pháp giảng dạy, NCKH …
Khóa tập huấn cũng chia sẻ quá trình triển khai học phần PD Innovation, gồm 05 phương thức về đổi mới sáng tạo. Ứng dụng phương pháp Elevator Pitch trong thuyết trình sử dụng mô hình NABC (Need - Approach - Benefits - Competition); Xây dựng Tuyên ngôn giá trị (Value Proposition); Quá trình cải tiến giá trị liên tục VCF (Value Creation Forum) và Mô tả mô hình kinh doanh BMC (Business Model Canvas), Phân tích SWOT (Strengths-Weaknesses-Opportunities-Threats) cho các dự án sáng tạo.
“Tôi cảm thấy rất hào hứng xen lẫn xúc động khi được tham gia khoá tập huấn”, học viên Lan Anh chia sẻ: “Khoá tập huấn không chỉ mang tính thời sự sâu sắc, mà còn là nơi trao đổi phương pháp dạy và học theo hướng giải quyết vấn đề, khơi dậy những ý tưởng sáng tạo, gắn với thực tiễn”.
PD Innovation là một trong những môn học của hệ thống PD được chuyển giao từ Đại học Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản) và VJIT đã triển khai cho sinh viên từ năm 2015.
PD giúp sinh viên cách thức và quy trình hướng đến giải quyết vấn đề cụ thể một cách sáng tạo, logic và khoa học theo phương pháp học Project-Based Learning (PBL), học theo dự án.
Các hoạt động trong môn PD được mô phỏng như hoạt động của một doanh nghiệp hay công ty Nhật Bản. Qua đó, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng và khả năng làm việc nhóm.
Hình thức này, giảng viên đóng vai trò hướng dẫn cho người học thông qua quá trình thiết kế sáng tạo và khoa học để phát triển năng lực Tư duy Thiết kế (Design Thinking), luôn đặt câu hỏi tại sao trong việc phát hiện vấn đề, tạo ý tưởng và giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, sau quá trình học tập môn PD, sinh viên sẽ hình thành những kỹ năng có thể tự thiết kế công việc cho tương lai của chính mình, thay vì kỹ năng đi tìm việc làm một cách thụ động và truyền thống.
Các hoạt động trong môn học PD luôn mang tính khoa học và thiết thực cao, nhằm giúp người học phát triển tư duy và phương pháp học tập tích cực (Active Learning). Hình thành nhiều kỹ năng mà xã hội và nhu cầu thị trường lao động đang rất cần ở nguồn nhân lực sau đại dịch Coivid 19, cũng như trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
“Giáo dục gắn liền với các vấn đề thực tiễn, giúp sinh viên không chỉ nắm bắt được kiến thức chuyên môn mà còn có thể học được cách để trở thành những kỹ sư, cử nhân thực sự” - TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt, Viện trưởng VJIT nhấn mạnh: “Do vậy, thay đổi phương pháp dạy và học là cần thiết nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng để giải quyết được những vấn đề phức tạp trong công việc sau khi tốt nghiệp”.