Các tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8, sớm ổn định công tác dạy và học

Các tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8, sớm ổn định công tác dạy và học

(GD&TĐ)- Theo thống kê sơ bộ đến trưa ngày 29/10, bão số 8 đã làm 10 người chết hoặc mất tích trong cơn bão số 8. Tính đến ngày 30/10, một ngày sau khi cơn bão số 8 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc bộ và miền Trung, chính quyền các cấp cùng nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão để lại. Ngành giáo dục các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn bão số 8: Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định đang khẩn trương tiêu độc khử trùng, vệ sinh trường lớp học, sớm ổn định công tác dạy và học để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học.

Theo thông tin chúng tôi nhận được trực tiếp từ các địa phương thì có lẽ tỉnh Thái Bình là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão số 8 gây ra. Địa phương này phải chịu sức gió cấp 12, giật trên cấp 14 khi cơn bão số 8 đổ bộ trực tiếp trong đêm ngày 28 rạng ngày 29/10. Bão kèm mưa to đến rất to với lượng mưa trung bình trên 400 mm. Có nơi như thành phố Thái Bình lượng mưa tới 403 mm, huyện Đông Hưng 377 mm, Hưng Hà 213 mm. 

Các tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8, sớm ổn định công tác dạy và học ảnh 1
Bão số 8 làm đổ, hư hại không biết bao nhiêu công trình trường học. (Ảnh, internet)  

Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết: Hậu quả bão số 8 để lại làm cho trên 710 trường học của Thái Bình bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 30 phòng học bị sập, 720 phòng học cấp 4 bị tốc mái che; 50.000 mét vuông tôn chống nóng trường học bị thổi bay; 10.000 mét tường rào của các trường học bị đổ, 50.000 cửa kính phòng học, nhà làm việc bị vỡ; trên 100 bộ đồ chơi ngoài trời của các trường Mầm non bị hư hỏng; 200 bộ máy vi tính bị hỏng.

Hệ thống nhà để xe, công trình phụ trợ khác và cây xanh bóng mát lâu năm của các trường hầu như bị quật đổ hoàn toàn... Ước thiệt hại do bão số 8 gây ra cho ngành giáo dục khoảng 100 tỷ đồng. Ngành GD-ĐT tỉnh Thái Bình đang phối kết hợp cùng chính quyền các cấp và nhân dân tích cực khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học.

Trưởng phòng giáo dục huyện Thái Thụy Phạm Đức Phiệt cho biết: Thái Thụy là huyện chịu nhiều thiệt hại nhất toàn tỉnh do bão số 8 để lại. Toàn huyện có 150 phòng học cấp 4 bị tốc mái; hơn 300 cây xanh bị đổ, trên 100 công trình phụ trợ trường học khác bị hủy hoại, gần 100 bộ đồ chơi ngoài trời của bậc học mầm non bị hư hại... ước tính ban đầu thiệt hại của giáo dục huyện Thái Thụy lên đến trên 12 tỷ đồng. Hiện ngành giáo dục huyện này đang tập trung dọn dẹp, sửa chữa khắc phục những thiệt hại do mưa bão gây ra để đưa công tác dạy và học đi vào ổn định trong thời gian sớm nhất.

Tại Hải Phòng, đây là cơn bão để lại hậu quả nặng nề nhất về tài sản tại cho địa phương này trong 10 năm qua. Theo thống kê ban đầu cho thấy, Hải Phòng có 8 người thương vong và 4 người mất tích. Số người bị chết và mất tích chủ yếu là ngư dân nuôi trồng thủy sản và thủy thủ đang làm việc và neo đậu tàu thuyền tại huyện đảo Cát Hải.

Cơn bão cũng đã làm hơn 2.000 ha lúa mùa cùng hàng nghìn ha hoa màu cây vụ đông cũng bị ngập úng. Dàn khoan và người trên dàn khoan trôi dạt trên khu vực biển Bạch Long Vỹ đã được đưa về vị trí an toàn. Có khoảng hơn 2.000 ngôi nhà bị tốc mái và hàng trăm ngôi nhà bị đổ. Tại các huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, hàng trăm trang trại, gia trại bị tốc mái, khiến hàng trăm nghìn con gia cầm có nguy cơ bị chết. Bão số 8 cũng đã gây ra mất điện và mất nước toàn thành phố.

Sáng ngày 30/8, trao đổi với Giáo dục & Thời đại, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hải Phòng Đỗ Văn Lợi cho biết: bão số 8 đã để lại hậu quả khá nghiêm trọng cho ngành giáo dục Hải Phòng. Toàn thành phố có hơn 300 trường bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Số trường xây dựng trên cost nền đất thấp bị ngập nước trên thực tế nhiều hơn con số trên.

Trong ngày 29/9, bão đổ bộ vào đất liền, học sinh các cấp học từ Mần non đến phổ thông trên toàn thành phố được nghỉ học theo kế hoạch của ngành giáo dục nơi đây.

Báo cáo sơ bộ đến ngày 30/10 mà Sở GD-ĐT Hải Phòng nhận được từ các trường học và cơ sở giáo dục, đã có 400 mái tôn của các phòng học, nhà để xe và mái tôn của các công trình phụ trợ khác bị tốc, hư hại. Trên 100 cây xanh to trong khuôn viên các nhà trường bị đổ kéo theo hàng trăm mét tường rào bị sập. Tuy nhiên, hiện chưa thấy báo cáo nào đề cập thiệt hại về học sinh hay giáo viên bị thương vong do bão số 8 gây ra.

Các tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8, sớm ổn định công tác dạy và học ảnh 2
 Cảnh nhà cửa 1 hộ dân tại Nam Định tan hoang hậu quả do bão số 8 gây ra. (Ảnh: Tuổi trẻ)  

Toàn bộ học sinh các trường học trên địa bàn thành phố đã đi học trở lại từ sáng 30/10. Tuy nhiên, nhiều trường học và khu vực dân cư trên địa bàn thành phố vẫn bị cúp điện do ngành điện chưa khắc phục được sự cố điện. Sở GD-ĐT thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các trường học và cơ sở giáo dục tập trung thu dọn hậu quả do mưa bão để lại, trong thời gian sớm nhất phối kết hợp với đơn vị vệ sinh dịch tễ trên địa bàn tập trung tiêu trùng khử độc, vệ sinh môi trường; tổng hợp thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học bị hư hại do mưa bão gây ra báo cáo đầy đủ về Sở GD-ĐT để có phương án khắc phục hậu quả.

Còn tại Nam Định, theo thống kê sơ bộ của tỉnh tính đến ngày 29/10, bão số 8 đã làm 6 người bị thương vong, 1 người mất tích; 200 mét đê điều bị sụt lún, ước thiệt hại 5 tỷ đồng. Hơn 5.810 ha lúa mùa và hơn 12.800 ha cây vụ đông bị đổ và ngập úng, ước thiệt hại khoảng 252 tỷ đồng; trên 600 chòi canh trên ao nuôi trồng và trông giữ thủy sản bị đổ và hư hại, mất toàn bộ diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn lợ, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Bị đổ và nghiêng 500 cột điện cao thế, 5.000 cột điện hạ thế, hư hỏng nhiều tuyến đường dây, ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Bưu chính viễn thông bị đổ 31 cột thu phát sóng, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng nghìn cột treo cáp bị đổ gãy, ước thiệt hại 300 tỷ đồng. Toàn bộ 5 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh bị mất sóng của mạng viễn thông di động Viettel. Cột thu phát sóng Đài PT-TH tỉnh cao 180m bị đổ gãy, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Nhiều thiệt hại về nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng; hàng nghìn cây bóng mát, cây ăn quả bị đổ gãy; biển quảng cáo, đèn trang trí bị hư hại… ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nam Định Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Theo kế hoạch của ngành, trong ngày 29/10, bão số 8 đổ bộ vào đất liền, toàn bộ các huyện ven biển của tỉnh Nam Định được nghỉ học tránh bão. Ngày 30/10, khi bão suy yếu và tan dần, học sinh các trường học ở đây đã đi học trở lại.

Tổng hợp báo cáo đến sáng 30/10 cho thấy, bão số 8 đã làm 170 trường học, cơ sở giáo dục của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề: sập tường, tốc mái, số trường ngập nước nhiều vô số. 1.500 bộ cửa kính của nhà lớp học, nhà hiệu bộ bị vỡ và hư hỏng; Số máy vi tính, thiết bị trường học khác bị hỏng do mưa bão, ngập nước hiện chưa có con số thống kê cụ thể;

Đã có trên 100 trường học bị sập tường rào, cổng trường, nhà xe và các công trình phụ trợ khác do tố lốc, nước ngập, cây gãy đổ đè vào. Có đến 40% số cây xanh bóng mát trong khuôn viên các trường học bị bão quật đổ, trong số này ước khắc phục dựng được khoảng 60%, số còn lại hư hỏng hoàn toàn.

Trong ngày 29/10, thống kê ban đầu cho thấy thiệt hại tài sản, hoa màu toàn tỉnh ước trên 872 tỷ đồng. Sang đến ngày 30/10, thống kê thiệt hại nhận được tiếp tục nâng con số thiệt hại này lên khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng; riêng thiệt hại của ngành giáo dục chưa ước tính được thành con số.

Hiện tại công tác khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra đang được ngành giáo dục Nam Định khẩn trương triển khai thực hiện, sớm đưa công tác dạy và học đi vào ổn định để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học trong toàn tỉnh, Chánh văn phòng Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ