Ý thức nữ quyền trong thơ đương đại

GD&TĐ - Từ đầu thế kỷ XX đến nay, làn sóng đấu tranh đòi lại quyền lợi cho phụ nữ và bày tỏ khát vọng về vấn đề bình đẳng giới ngày càng dâng lên mạnh mẽ.

Nhà thơ Nồng Nàn Phố (Phạm Thiên Ý).
Nhà thơ Nồng Nàn Phố (Phạm Thiên Ý).

Ngọn lửa tranh đấu ấy cũng cháy bùng trong văn chương, định hình rõ rệt một lối viết mới mà ở đó, ý thức nữ quyền của các nhà văn, nhà thơ (đặc biệt là các tác giả nữ) chính là điểm sáng.

Ngợi ca, nâng niu

Trong thơ ca đương đại Việt Nam, các nhà thơ (đặc biệt là nhà thơ nữ) đã thể hiện ý thức nữ quyền vô cùng bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy táo bạo. Có thể kể đến sáng tác của một số thi sĩ như Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Lê Ngân Hằng, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Lynh Bacardi, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Bích Ngân, Lữ Mai, Ngô Thanh Vân, Lữ Hồng...

Tiếng nói đòi nữ quyền ở đó được cất lên là minh chứng cho nhu cầu giãi bày những suy tư, âu lo, trăn trở, phấp phỏng về số phận và vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới; phơi bày và lý giải thấu đáo những ẩn ức của người phụ nữ, trong đó có ẩn ức tính dục mang đậm cảm quan phái tính.

Trước tiên các tác giả đã ngợi ca, nâng niu và trân trọng những vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ, từ ngoại hình đến phẩm giá bên trong. Trước đó, trong thơ trung đại, Hồ Xuân Hương đã từng đề cao vẻ đẹp về ngoại hình và phẩm chất của người phụ nữ qua những hình ảnh mang tính biểu tượng, là sản phẩm của tư duy phồn thực, như:

“Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm

Một lạch đào nguyên nước chửa thông”.

(Thiếu nữ ngủ ngày)

Lối diễn đạt đó được xem là táo bạo trong văn học trung đại, theo kiểu tục mà thanh, thanh mà tục rất Hồ Xuân Hương.

Những biểu tượng đẹp gắn liền với những bộ phận trên cơ thể người đàn bà tiếp tục được các nữ sĩ đương đại đề cập và ca ngợi nhưng bằng lối diễn đạt mới, chân thật và gợi cảm, táo bạo và duyên dáng.

Nhà thơ Ly Hoàng Ly.

Nhà thơ Ly Hoàng Ly.

Người phụ nữ hiện đại ý thức được vẻ đẹp “trời cho” và phô bày như một niềm tự hào của riêng họ. Hình tượng bầu ngực của đàn bà đã xuất hiện đầy bí ẩn, vừa khép vừa mở trong thơ Ly Hoàng Ly:

“Mở mãi, muốn mở mãi

Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm

Mở mãi, muốn mở mãi

Bầu ngực này căng đêm

Soi vào gương”.

(Mở nút đêm)

Nhà thơ Vi Thùy Linh.

Nhà thơ Vi Thùy Linh.

Mặt khác, người đọc còn bắt gặp một giọng thơ nâng tầm, đề cao vai trò, khẳng định vị trí không thể thay thế của người đàn bà trong cuộc đời. Sự xuất hiện của họ chính là một đặc ân!

Nhận thức được điều đó, tiếng thơ hiện đại và táo bạo Vi Thùy Linh đã ngẫm ngợi về sứ mệnh người mẹ mà bất kỳ người phụ nữ nào trên thế giới này cũng gánh vác trên vai:

“Con trai ơi! Con đã cho mẹ

một sinh lực phi thường

Để biết im lặng và nhẫn nại

Để làm việc bằng hai, ba

Để đến ngày được làm người

đàn bà bình thường nhất”.

(Đồng tử)

Và giây phút tuyệt vời nhất của người đàn bà sẽ đến: Giây phút hạ sinh ra một hài nhi, hạ sinh loài người:

“Bầu nước mắt hàm tiếu trong tim mẹ

Chực vỡ òa theo bầu sinh sôi

Ngôi nhà đầm đìa trăng ngân mãi

đại hồ cầm”.

(Đồng tử)

Sứ mệnh tuyệt vời đó cũng được Nồng Nàn Phố nhận thức và thể hiện bằng những câu thơ xúc động, được viết bằng cảm hứng tri ân những người đàn bà trên thế giới như một đấng sinh sôi ra thế giới loài người:

“Đã từng cõng con qua ngàn vạn

nẻo đường

Bằng đôi bàn chân chai hai bờ

vai mỏi

Bằng ngực gầy nhớ thương trùng trùng

chờ đợi

Bằng cả tuổi thanh xuân đắp đổi ơ ầu”.

(Mẹ)

Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Hình ảnh người mẹ hiền lành, trìu mến và đầy niềm tự hào khi được sinh nở và ngắm nhìn đứa con chào đời cũng hiện lên thật đẹp trong thơ Bình Nguyên Trang:

“Người đàn bà rũ rượi nhìn tôi

trong cơn đau sinh nở

Đôi mắt ngân lên thứ hạnh phúc

đợi chờ

Người đàn bà ơi”.

“Người đàn bà lịm đi vì hạnh phúc”.

(Bài ca về người đàn bà).

Trong thơ Lê Vi Thủy, hình ảnh người đàn bà được tạo dựng với tâm thế buông bỏ tất cả những cay đắng, tủi hờn của cuộc đời, dành trọn tâm tư, tình cảm cho con, vượt qua sự khắc nghiệt của số phận để làm tròn bổn phận của một người mẹ. Nghĩa cử đó thật cao đẹp biết bao:

“người đàn bà lặng lẽ thay tã cho con

loảng xoảng rơi vỡ từ đáy mắt

cửa sổ đêm quên đóng

một cánh với

sau những số phận đàn bà”.

(Cánh tay với)

Rõ ràng, cái ý thức trách nhiệm, vai trò của một người phụ nữ đã được thể hiện rất rõ trong những vần thơ đầy ắp tình cảm, cảm xúc.

Và những khát khao…

Hơn nữa, bước vào thế giới thơ nữ đương đại Việt Nam, ta dễ dàng bắt gặp những khao khát rất đỗi đời thường, những khát vọng phập phồng trong trái tim người phụ nữ. Đó là khát vọng hạnh phúc, khát vọng yêu đương, thậm chí là khát vọng được thỏa mãn nhu cầu xác thịt, giải tỏa những ẩn ức tính dục đang tồn đọng, ứ đầy.

Nhà thơ Phan Huyền Thư.

Nhà thơ Phan Huyền Thư.

Mượn hành động “nằm nghiêng” - Phan Huyền Thư mô phỏng một dáng điệu đầy khêu gợi của người phụ nữ với khát vọng được hài hòa thân xác với người mình yêu. Những điều thường tình đó đã lâu không được đáp trả, người phụ nữ rơi vào tình trạng ẩn ức, dồn nén và ao ước một lần được “vồ vập” cho trút cạn nỗi niềm:

“Nằm nghiêng. Mùa Đông

nằm nghiêng trên thảm gió mùa.

Nằm nghiêng

nứt nẻ khóe môi

đã lâu không vồ vập răng lưỡi

Nằm nghiêng

xứ sở bốn mùa nhiệt đới,

tự dưng nhói đau

sau lần áo lót có đệm mút dầy

nằm nghiêng

về đây”.

(Nằm nghiêng)

Cái ước vọng ấy tiếp tục được nữ sĩ giãy bày trong bài thơ “Địa đàng”, với những dòng thơ có nhịp điệu gấp rút như chính nhịp điệu của ước mong giao hòa trong tâm hồn của người đàn bà cô đơn:

“Thức dậy. Bên nhau trong vườn

địa đàng

hai bông hoa si tình giả vờ

trao nhau ham muốn. Đồ hàng. Gió”.

(Địa đàng)

Lynh Bacardi cũng táo bạo không kém khi mô phỏng hành động giao hợp nam nữ như một điều tất yếu của bất kỳ mối quan hệ yêu đương nào:

“thèm ngón áp út mút khô cánh lưỡi

mùi mồ hôi nồng đôi áo gối mốc

cọt kẹt chiếc giường theo nhịp đẩy

của anh”.

(Tìm)

Bày tỏ những điều thuộc về bản năng người đàn bà, song thơ của các tác giả nữ đương đại không lọt thỏm vào hố sâu thô thiển, không mang tính “tục”, mà ngược lại rất đỗi nhân văn, cao đẹp.

Bởi những khát vọng nói trên được kết tinh từ niềm mong mỏi hạnh phúc rất thực đàn bà, từ khát vọng được hạnh phúc và thăng hoa trọn vẹn trong tình yêu.

Tình cảm chân thành, thắm thiết và vô cùng mãnh liệt đó đã được Trương Quế Chi thể hiện rất đạt trong những dòng thơ văn xuôi với những cách tân hết sức táo bạo: “Em sẽ treo hy vọng của mình như con cá gỗ để chúng ta chỉ có thể sống bên nhau bằng tình yêu điên cuồng, đốt cháy mọi thứ tồn tại trong cơ thể, cùng nhau trở thành tình yêu trong sáng và đẹp nhất trên đời” (Bản tình ca của tôi).

Suy cho cùng, đàn bà cũng là một con người bình thường, cũng có nhu cầu bộc lộ những cảm xúc của riêng mình như yêu, ghét, hờn ghen, đa nghi, huyễn hoặc...:

“Đừng trách em ngoắt ngoa

Vì đàn bà ai chẳng ghen, hờn,

ngồi co mình trong phòng tối

Trả thù anh và quá khứ

bằng ánh mắt chết”.

(Cho thỏa mãn kiếp đa đoan, Nồng Nàn Phố).

Tư tưởng nữ quyền xuất hiện trong thơ ca đương đại Việt Nam là sự hưởng ứng mạnh mẽ phong trào đấu tranh, giải phóng thân phận, đòi quyền lợi cho người phụ nữ đã và đang diễn ra sôi nổi trên thế giới.

Cũng từ đây, giá trị của người phụ nữ được nâng lên, họ đã định vị được bản thân mình trong tất cả mọi lĩnh vực, sánh ngang tầm cùng nam giới. Sự nở rộ của dòng thơ mang đậm tư tưởng nữ quyền một lần nữa khẳng định sự chấm dứt của những tư tưởng phong kiến cổ hủ, trọng nam, khinh nữ ở nước ta.

Chắc chắn rằng, dòng thơ viết về người phụ nữ sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, trở thành một mảng màu không thể thiếu trong bức tranh chung của nền văn học dân tộc.

Năm 2018, cuộc thi truyện ngắn mang tên “Một nửa làm đầy thế giới” do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức (với sự tài trợ của một dự án thuộc Giải LiBeratupreis – Frankfurt) đã thu hút hàng nghìn tác giả tham dự, với những sáng tác ngợi ca người phụ nữ, tạc dựng hình tượng người phụ nữ nhằm gửi gắm thông điệp cao quý: Phụ nữ chính là “một nửa” của thế giới, cuộc sống sẽ tẻ nhạt, thậm chí là kinh khủng nếu thiếu đi bóng dáng, tiếng nói của họ. Từ đó, người phụ nữ - “một nửa làm đầy thế giới” trở thành cụm từ quen thuộc mà giới văn chương hay dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.