Đấu tranh vì nữ quyền

GD&TĐ - Là trưởng nhóm cải cách của tổ chức quyền phụ nữ, Breakthrough, Ấn Độ, Jyothi đang thay đổi bộ mặt ngôi làng của mình ở Karnal, Haryana, bằng cách đảm bảo mọi cô gái trong làng đều có cơ hội được học tập.

Jyothi luôn mong muốn các cô gái nông thôn đều được đi học.
Jyothi luôn mong muốn các cô gái nông thôn đều được đi học.

Chống lại sự lạc hậu

Ở làng Garhi Khajur thuộc quận Karnal (bang Haryana), Jyothi, 25 tuổi, đang mang đến cho các cô gái cơ hội có một tương lai tốt đẹp hơn. Jyothi là một trong những cô gái đầu tiên trong làng hoàn thành chương trình phổ thông và là cô gái duy nhất trong khu vực học đến đại học.

Mặc dù được bố mẹ ủng hộ mạnh mẽ, nhưng đạt được ước mơ này với cô không hề dễ dàng. Trường ở làng cô chỉ được dạy đến lớp 5 nên để tiếp tục học lên, hằng ngày cô phải đi bộ đến trường cách đó khoảng 3 - 4 cây số.

Cô giải thích: “Tình trạng tảo hôn diễn ra tràn lan ở làng tôi và giáo dục không phải là ưu tiên hàng đầu của người dân. Bước sang tuổi 15 và 16, những cô gái bị ép lập gia đình, buộc phải lao động chân tay trên nương và không được phép bước ra khỏi nhà vào buổi tối. Họ thường bị chồng bạo hành và không có cuộc sống ấm êm”.

Tuy nhiên, quan điểm giáo dục cho tương lai các cô gái của Jyothi đã khiến nhiều dân làng nổi giận. “Họ nói, ‘Yeh to maharani hai’ (Cô ấy hành xử như một nữ hoàng), hoặc tôi đang phá hỏng bầu không khí của ngôi làng. Nhưng bố mẹ tôi ủng hộ tôi. Mẹ tôi không thể hoàn thành chương trình học do ông tôi mất sớm,  nhưng bố tôi được đi học và biết tầm quan trọng của giáo dục như thế nào”.

Sau khi hoàn thành chương trình học, Jyothi hiểu rằng những cô gái khác trong làng của cô cũng cần có cơ hội như vậy để thay đổi cuộc đời. Với mong muốn một ngày nào đó mọi cô gái ở Garhi Khajur đều có thể vào đại học, cô bắt đầu giúp đỡ một số trẻ trong làng đi học.

Sự phản kháng gần như ngay lập tức, khi các chàng trai trong làng xuất hiện để quấy rối và tìm cách ngăn cản các cô gái học tập. “Họ sợ các cô gái bắt đầu suy nghĩ cho bản thân, theo đuổi con đường học vấn, từ chối làm ruộng hoặc lấy chồng. Họ cho rằng, tôi đã hướng dẫn các cô gái đi sai đường”, Jyothi nói.

Bất chấp sự chống đối mạnh mẽ, cô vẫn kiên trì với công việc mở lớp của mình. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tạo một rào cản lớn trên con đường của Jyothi. “Có một nỗi sợ hãi xung quanh việc bị lây nhiễm bệnh.

Các bậc cha mẹ cũng nghĩ rằng các trường học sẽ không bao giờ mở cửa trở lại nên họ bắt đầu sắp xếp cuộc hôn nhân cho con mình. Sau khi trường học mở cửa trở lại, nhiều nữ sinh đã không quay trở lại”, cô nói, “Tôi đã đến khoảng 30 gia đình để thuyết phục họ cho con đi học lại, nhưng thật khó”.

Jyothi, trưởng nhóm sáng tạo của tổ chức Breakthrough.
Jyothi, trưởng nhóm sáng tạo của tổ chức Breakthrough.

Không lùi bước

Hiện nay, Jyothi làm việc với Breakthrough toàn thời gian tại tám ngôi làng để nêu lên những trở ngại và giải quyết các vấn đề đang gây ra cho phụ nữ. “Khi mới bắt đầu, tôi nghĩ rằng mình đơn độc trong cuộc chiến này. Nhưng giờ tôi cảm thấy mình có chỗ dựa, có tình chị em, và chúng tôi cùng sát cánh bên nhau” – Jyothi cho biết.

Đó là thời điểm Jyothi bắt đầu làm việc với tổ chức vì quyền lợi của phụ nữ, Breakthrough, và sau khi nói chuyện với hai cô gái muốn vào đại học, cô quyết định giúp họ.

“Cha mẹ của các cô gái đã cho họ đăng ký vào trường đại học, nhưng khi tin này đến tai ông bà, mọi thứ đã trở nên phức tạp. Những người lớn tuổi này cho rằng, đây sẽ là một vết nhơ dòng họ vì các cô gái không tôn trọng những phong tục tập quán lâu đời.

Họ gọi cho bố mẹ tôi và yêu cầu phải giữ tôi trong khuôn phép. Cha mẹ tôi cũng bắt đầu lo lắng, vì tôi luôn ra khỏi nhà, làm việc với người lạ. Nhưng tôi đảm bảo với họ rằng tôi đang làm điều đúng đắn, và họ đã ủng hộ tôi”, Jyothi nhớ lại.

Jyothi chia sẻ thêm: “Có một sự băn khoăn chung là các cô gái sẽ học tập và hòa nhập với các nam sinh, điều mà các gia đình coi là mối đe dọa đối với danh tiếng của họ.

Họ cũng đang tìm cách để những cô gái này kết hôn và buộc họ phải làm việc trên những cánh đồng, thay vì giúp họ xây dựng một tương lai an toàn. Trước tôi, rất nhiều cô gái và phụ nữ đã gục ngã vì họ không có được cuộc sống như mong muốn”.

Vì vậy, cô đưa các cô gái đến gặp trưởng làng (sarpanch), và họ phàn nàn với ông. Sarpanch rất ngạc nhiên bởi cách các cô gái tìm đến để thể hiện quan điểm, nói lên suy nghĩ, mong muốn của họ một cách cởi mở như vậy.

Ông cho biết, trong 5 năm làm nhân vật có thẩm quyền trong làng, ông chưa bao giờ thấy những phụ nữ trẻ đến gặp theo cách này. Nhưng khi lắng nghe họ, ông nhận ra trách nhiệm của chính mình, đồng ý hỗ trợ ước mơ của họ. Sarpanch đến nói chuyện thiệt hơn với gia đình họ, và các cô gái được phép đi học đại học.

Khi Jyothi bắt đầu làm việc với Breakthrough, cô gặp lại các cô gái từ các lớp học mà cô từng tổ chức. Họ thành lập một nhóm thanh niên, thường xuyên thảo luận về một số vấn đề như quyền của phụ nữ, những vấn đề gặp phải ở nhà, và những điều tương tự.

Các cô gái đề nghị vào ngày 15/8, ngày của azaadi (độc lập), họ sẽ kiến nghị về những vấn đề đang hạn chế quyền tự do của họ. “Chúng tôi sẽ đến gặp sarpanch và cha mẹ để yêu cầu azaadi của chúng tôi”.

Và azaadi có ý nghĩa gì đối với những cô gái này? Jyothi chia sẻ: “Họ muốn tự do ra ngoài tùy thích, học tập, trò chuyện và nói lên ý kiến của mình với gia đình, muốn có một phòng sinh hoạt chung cho các nữ sinh trong trường, một sân chơi an toàn cho các nữ sinh, và hơn thế nữa...

Họ rất có động lực, và đó là  một sự thay đổi lớn so với lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu các bài học sau giờ học. Họ nói, ‘Chúng ta có quyền, vậy tại sao chúng ta không được trao quyền?’.

Theo thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?