Thi đàn Việt Nam đương đại có những nhà giáo - nhà thơ tài hoa không chỉ góp phần vào sự phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà và nền thơ ca hiện đại, mà còn tự khẳng định tài năng riêng của mình.
Tiêu biểu trong đó là những gương mặt nữ nhà giáo - nhà thơ như: Phi Tuyết Ba, Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai...
Nhà thơ Phi Tuyết Ba - “Nhớ thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm”
Nhà thơ Phi Tuyết Ba sinh năm 1946 tại Quảng Bình còn quê gốc ở làng Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức. Cha chị là một thợ ảnh nổi tiếng, từng vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ lần Người về thăm và làm việc ở Quảng Bình.
Là học sinh giỏi Toán của tỉnh, khi đó chị cũng được thay mặt thiếu nhi toàn tỉnh, ôm bó hoa tươi dâng tặng và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ. Phi Tuyết Ba tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau đó dạy ở Trường Đại học Công nghiệp nhẹ rồi Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).
Cứ ngỡ, Toán học với những con số khô khan nhưng không ngờ thơ Phi Tuyết Ba cho thấy tâm hồn rất tinh tế, giàu rung cảm. Chị đã gửi đến bạn đọc 9 tập thơ, trong đó nhiều bài thơ hay được yêu thích như “Vùng phấn bay”, trong đó, có những câu thơ chứa chan tình cảm và niềm tri ân thầy giáo cũ: “…Trang trời xanh thẳm hôm nay/ Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu/ Sông đời bất chợt nông, sâu/ Nhớ thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm”.
Không chỉ viết về đồng nghiệp, học trò và nhiều đề tài khác, Phi Tuyết Ba còn có những bài thơ tình vào hàng tuyệt phẩm. Nổi nhất là bài “Trăng khuyết” mà nhạc sĩ Huy Thục đã phổ nhạc và trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Chị cũng là tác giả của bài thơ “Đàn mưa con” thật độc đáo.
Thái độ trân trọng, tin yêu của người làm mẹ giúp chị phát hiện ra sức mạnh tiềm ẩn của mưa, sự tương đồng giữa đám mây và người mẹ, hạt mưa và đứa con. Nhờ đó, tứ thơ của bài thật mới lạ, thú vị.
Trong bài có những câu: “Giọt đậu vào cành khế/ Giọt thấm xuống cánh đồng/ Giọt bay trên mái phố/ Nhảy dù xuống dòng sông”. Bài thơ đã được đưa vào chương trình Sách giáo khoa - Tiếng Việt lớp 2 (bộ Tri thức với cuộc sống).
Thơ Phi Tuyết Ba đa phần đậm tính triết lý, giàu liên tưởng và có sức khái quát cao. Chị đã nhận nhiều giải thưởng danh giá: Giải B cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1987; giải Khuyến khích của Báo Phụ nữ Việt Nam năm 1994; giải Khuyến khích Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh năm 1997; giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Hội các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001…
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai - “Trái tim đàn bà thông minh và tinh tế”
Sinh năm 1951, tại Diễn Châu, Nghệ An, nhà giáo - nhà thơ Đỗ Bạch Mai tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi về dạy học tại Hải Phòng. Sau chị chuyển về công tác tại tuần báo Văn nghệ và sống tại Hà Nội.
Chị là phu nhân của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Đỗ Bạch Mai không định làm thơ, trở thành nhà thơ bởi tự nguyện lùi lại phía sau người chồng tài danh để chăm lo cơm áo, quán xuyến gia đình. Vậy nhưng khi cảm xúc ùa đến, chị không thể không ký thác nỗi niềm vào thơ.
Chị còn có bút danh khác: Đỗ Bạch Mai, Đỗ Bạch, Đỗ Thái Minh; được nhận giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ năm 1996 và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2004. Tác phẩm chính là: “Một lời yêu”, “Năm bông hồng trắng”, “Một mình đi trong mưa”...
Thơ Đỗ Bạch Mai được người đọc đón nhận bởi sự dung dị, hồn hậu, giàu tình yêu thương đúng như con người chị, biết ứng xử bằng trái tim tin yêu và minh triết.
Trong bài “Trái tim đàn bà” của chị có đoạn: “Từ trái tim đàn bà chúng tôi chỉ muốn gửi tới toàn thế giới những ước vọng khao khát hòa bình/ Và ai đó những kẻ gây chiến tranh có nhận được thông điệp ấy/ Liệu họ đã quên họ cũng có những người mẹ và những bài học làm người đầu tiên, những lời khuyên đầu tiên cũng từ trái tim của mẹ./ Dù họ có là ai đi nữa, cũng vẫn chỉ là đứa con nhỏ bé của mẹ mà thôi/ Chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi không muốn trái tim mình rỉ máu”.
Những vần thơ đầy khát vọng hòa bình, thấm đẫm yêu thương và hạnh phúc của Đỗ Bạch Mai đã nói hộ nỗi lòng không chỉ của phụ nữ Việt Nam, mà còn là nguyện vọng của toàn nhân loại.
Nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Thị Mai - “Mơ ước ngày xưa thơm mát trong lành”
Sinh năm 1955, quê cha ở Phú Thọ nhưng nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Thị Mai chào đời, lớn lên tại quê mẹ là thị trấn Gia Lâm - Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chị về dạy Văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình rồi Trường Cao đẳng Sư phạm Thường Tín và sau đó là giảng viên chính của Học viện Phụ nữ Trung ương.
Nguyễn Thị Mai sáng tác thơ từ khi mới học lớp 5. Lúc là sinh viên chị có bài “Tâm sự cô giáo trẻ” rất nổi tiếng, tôi thích nhất đoạn: “…Mơ ước ngày xưa thơm mát trong lành/ Theo suốt tháng năm, suốt mùa phượng nở/ Anh đã đi xa, anh vẫn nhớ/ Mỗi bức thư về vẫn nhắc chuyện ước mơ…”.
Đây là tiếng nói từ trái tim của cô giáo trẻ dạt dào tình yêu nghề và yêu thương học sinh. Chị gọi nghề dạy học là “nghề chăm hoa”, bởi mỗi học trò là một bông hoa cần đến bàn tay người thầy tưới chăm, vun bón để mai này hoa kia tỏa sắc hương giúp ích cho đời.
Ngoài dạy học, chị Mai viết báo, làm thơ. Chị có thơ in từ 1995, đến nay đã có 14 tập thơ và truyện vui.
Chị là một trong số ít nhà thơ nữ giành được nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu như: Giải B tập thơ “Thời hoa gạo cháy” năm 1995, giải A tập thơ “Nón trắng sang đò” năm 1997 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; giải Nhất (chùm thơ 2 bài: “Nhà không có bố” và “Giờ văn”) sáng tác văn học cho trẻ em - do Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Chăm sóc thiếu niên, nhi đồng tổ chức năm 1992; giải Nhì cuộc thi thơ chủ đề về gia đình do Báo Văn nghệ và Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1994 (không có giải Nhất) với bài “Nói với con chồng”; giải Nhì - Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Văn học về đề tài Biên giới - Hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam với tập “Mang quê ra đảo” năm 2020...
Thơ Nguyễn Thị Mai rất phong phú, nhiều chủ đề trong đời sống. Đó là tiếng lòng hiếu thảo của người con yêu mẹ kính cha, là tiếng nói từ trái tim người mẹ giàu tình yêu thương và đức hy sinh, là tiếng thơ chan chứa cảm thương, bênh vực những phận người không may mắn.
Tiêu biểu như bài “Nhà không có bố” tôi thuộc nằm lòng từ gần ba mươi năm trước bởi tình cảm chân thành có sức cảm hóa, lay động trái tim người đọc. Ở bài thơ này, nhà thơ nhắn nhủ tới bạn đọc: Hãy làm tất cả cho con trẻ được sống hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của mẹ cùng cha, được hưởng niềm vui trọn vẹn tuổi thơ.