Ý nghĩa từ quạt mo cau

GD&TĐ - Gần đây, những ai theo dõi Facebook của TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen) thì thấy anh hay cầm chiếc quạt bằng mo cau phe phẩy mỗi khi đi thực địa.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đấy là cách mà vị tiến sĩ này cổ vũ cho các sản phẩm thân thiện với môi trường chứ không phải là quảng cáo để bán… quạt mo cau!

Xin được nói đôi lời về TS Nguyễn Ngọc Huy. Chừng dăm năm trở lại đây, hễ đến mùa mưa lũ, bên cạnh việc theo dõi thời tiết từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và trong tỉnh, đông đảo người Việt Nam cũng không quên nhấp chuột vào Facebook của Nguyễn Ngọc Huy để nghe anh “dự báo thời tiết” khi có áp thấp nhiệt đới hoặc cơn bão “thập thò” ngoài Biển Đông.

Có những trận bão, cứ ngỡ sẽ càn quét vô miền Trung mười mươi nhưng TS Nguyễn Ngọc Huy dự báo là cơn bão sẽ tan trước khi vào đất liền! Không phải anh đoán mò mà đây là kết quả của việc nghiên cứu dựa trên những dữ liệu rất khoa học mà TS Huy đã tích lũy từ nhiều năm nay với tư cách là một chuyên gia dự báo thời tiết.

Không chỉ là một chuyên gia về biến đổi khí hậu và dự báo thời tiết, TS Huy còn chú ý đến “môi trường xanh” thông qua các dự án trồng rừng, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Vì vậy, hay tin ở Quảng Ngãi có cơ sở sản xuất đồ gia dụng như chén, bát, nĩa, khay, quạt mo… được làm bằng mo cau, anh đã về tận nơi để “mục sở thị” những sản phẩm “lạ mắt” và rất thân thiện với môi trường này. Buổi livestream mới đây của TS Huy đã có hàng nghìn người theo dõi và đặt những câu hỏi rất thú vị.

Từ vài năm nay, thỉnh thoảng lại thấy những chiếc xe container chạy ngược lên Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) rồi ghé Đồng Dinh. Đó là những khách hàng tận ngoài Bắc, trong Nam về cơ sở anh Tuyến để nhận hàng, là các loại đồ gia dụng như chén, khay, quạt… được làm bằng mo cau.

Hàng ngày, người dân quanh vùng Đồng Dinh chở hàng trăm mo cau để bán cho cơ sở anh Tuyến. Mỗi chiếc mo cau bán được 1.000 đồng, thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp người nông dân kiếm thêm tiền chợ.

Nhiều vùng quê Quảng Ngãi, chiếc mo cau giờ đây không còn để lũ trẻ làm xe kéo trong những trò nghịch ngợm của tuổi thơ nữa, mà nó là nguồn thu cho người trồng cau bên cạnh việc bán trái cau.

Theo dõi buổi livestream nói trên, thấy có nhiều người hỏi mua sản phẩm đó ở đâu? Lại cũng có người “đặt hàng” làm các khay đựng bánh, hộp đựng các sản phẩm của sâm Ngọc Linh… Còn đa số các ý kiến là trầm trồ khen ngợi những sản phẩm lạ mắt và rất thân thiện với môi trường này.

Trong khi các nhà khoa học cảnh báo về những hệ lụy từ việc sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, kêu gọi người tiêu dùng nói “không” với túi ni lông thì việc có mặt những chiếc quạt, các loại hộp đựng bánh, chén, bát… bằng mo cau của anh Tuyến đã đáp ứng được phần nào, dù rất nhỏ, cho những cảnh báo đó.

Qua buổi livestream, TS Huy cũng kêu gọi mọi người cần ý thức hơn khi sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường. Những sản phẩm từ mo cau để thay thế dần túi ni lông cũng là một cách làm giảm áp lực từ ô nhiễm mà Trái đất đang gánh chịu. Ít ra thì nó cũng giúp cho người nông dân ở những vùng quê nhiều cau có thêm thu nhập từ một loại sản phẩm cứ nghĩ là bỏ đi này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ