TS Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế:
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.
Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm.
Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
TS Phạm Văn Hùng |
Từ thực tiễn quản lý giáo dục ở địa phương, TS Phạm Văn Hùng cho rằng, việc lùi thời gian như trên là hợp lý; đồng thời gợi ý bên cạnh lộ trình cho từng bậc học là cơ bản như trên, cần kết hợp với lộ trình riêng cho từng trường.
Cụ thể, năm học 2019 - 2020, cơ bản sẽ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới là lớp 1, nhưng với một số trường chưa đủ điều kiện, có thể đi sau một chút; tương tự như vậy với cấp THCS và THPT. "Cần kết hợp cả 2 lộ trình như trên sẽ thuận lợi hơn cho các địa phương trong triển khai chương trình mới" - TS Phạm Văn Hùng nêu quan điểm.
Nói về khó khăn của địa phương khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, TS Phạm Văn Hùng nhắc đến 2 điều kiện là giáo viên và cơ sở vật chất. "Tuy nhiên, tôi tin là địa phương sẽ làm được tốt, có điều cần thời gian chuẩn bị và lộ trình phù hợp" - TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên |
Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên:
Việc lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa là cần thiết đối với một số địa phương chưa chuẩn bị kịp chuẩn bị kỹ về đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ sở vật chất chưa đảm bảo mức tối thiểu phục vụ giảng dạy.
Riêng với Hưng Yên, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và được lãnh dạo tỉnh quan tâm về cơ sở vật chất.
Cụ thể, đội ngũ đã triển khai kỹ và sâu về nhận thức, kiến thức, phương pháp, kỹ thuật phục vụ cho đổi mới cách thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, các hoạt động giáo dục... qua nhiều hội nghị và các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, tỉnh và các phòng GD&ĐT, các nhà trường; việc bồi dưỡng thường xuyên của lãnh đạo, giáo viên các cơ sở giáo dục.
Về cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy học và các yếu tố phục vụ dạy học được tỉnh quan tâm đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ |
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ:
Tôi đồng tình với với việc điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020 để có thêm thời gian chuẩn bị.
Đây là điều hết sức cần thiết, bởi việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới là một vấn đề lớn và hệ trọng và phải ổn định lâu dài. Do đó, chỉ nên triển khai, thực hiện khi phải bảo đảm tính khả thi, chất lượng và nhất là các điều kiện phải đồng bộ như về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất hiện có và các điều kiện khác. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục phổ thông chưa đến mức cấp bách để đổi mới ngay.
Nếu được Quốc hội đồng ý cho điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo như Tờ trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội, tỉnh Phú Thọ sẽ đảm bảo cơ bản các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.