Ý chí, quyết tâm song hành cùng tình thương, trách nhiệm

GD&TĐ - Đến với các trường học trên địa bàn tỉnh Bình Định trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi được chứng kiến không khí thi đua dạy học hết sức sinh động.

Ý chí, quyết tâm song hành cùng tình thương, trách nhiệm

Đến nay, hậu quả của những cơn lũ lịch sử năm 2016 để lại cho các trường học còn hết sức nặng nề, vậy nhưng, với quyết tâm “thi đua dạy tốt, học tốt”, “đổi mới, sáng tạo trong dạy học”, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cán bộ, giáo viên các trường học đã tích cực, chủ động ổn định nề nếp dạy học, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo dựng một môi trường học tập toàn diện cho con em học sinh.

Quả ngọt từ sự nỗ lực vượt qua gian khó

Ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho hay: Năm học 2016-2017, trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục xảy ra 5 trận lụt, gây thiệt hại nặng cơ sở hạ tầng, rất nhiều gia đình học sinh trong tỉnh bị thiệt hại nặng về tài sản, cơ sở vật chất, phương tiện sản xuất, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học.

Vậy nhưng, kết thúc năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT tỉnh Bình Định gặt hái được nhiều kết quả hết sức rõ nét. Nói như vậy để cho thấy sự quyết tâm, ý chí của đội ngũ cán bộ, giáo viên đối vợi sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Dẫu trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên đối với con em học sinh, trường lớp cũng luôn đong đầy.

Nói về những kinh nghiệm, giải pháp trong việc khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, ông Đào Đức Tuấn chia sẻ: Để tăng cường công tác phòng, chống học sinh bỏ học, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục và tăng hiệu quả GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện/thị xã/thành phố, các trường THPT và các đơn vị trực thuộc linh hoạt, khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính hết sức căn cơ.

Trong đó tập trung nâng cao trách nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tận tụy với công việc, hết lòng yêu thương học sinh, quan tâm đặc biệt đến đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học tập yếu, kém và có nguy cơ bỏ học.

Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, sớm phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, xác định nguyên nhân để theo dõi, giúp đỡ kịp thời bằng nhiều biện pháp từ phía Ban đại diện Cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp; đề nghị Hội Khuyến học, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các đối tượng này ; triển khai thực hiện kịp thời việc cấp vở và cho học sinh mượn sách thư viện để học; tuyệt đối không để tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu vở, thiếu sách giáo khoa.

“Theo đó đề xuất với UBND tỉnh Bình Định thực hiện các chế độ, hỗ trợ đối với học sinh như không thu học phí đối với học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông có gia đình bị thiệt hại nặng do lũ lụt. Linh hoạt, sáng tạo thực hiện các giải pháp chuyên môn, thúc đẩy phong trào thi đua dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục trong từng lớp học, trường học, nhằm khơi dậy tinh thần thu đua giảng dạy, học tập sôi nổi cho giáo viên, học sinh”, ông Đào Đức Tuấn cho biết.

Chủ động thực hiện các giải pháp căn cơ

Chính nhờ sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các giải pháp, cho nên, đến nay, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện hiệu quả Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi cho 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi; kết quả thực hiện đề án

“Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” cho 100% trẻ em vùng dân tộc thiểu số, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 phổ thông cũng tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục cho các trường học. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ trẻ được ăn bán trú tăng 4,1%, tỉ lệ nhóm lớp học 2 buổi ngày có ăn bán trú tăng 1,1%, hiện tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn dưới 2,8%.

Đến nay toàn tỉnh Bình Định có hơn 76% trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng giáo dục tiểu học có bước phát triển vượt bậc. Đó là kết quả từ sự thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong trong dạy học, công tác kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề này sinh trong quản lý chuyên môn, quản lý hành chính và tình hình giảng dạy của giáo viên.

Tăng cường đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo; đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng để nâng cao tay nghề, vận dụng các phương pháp mới vào tổ chức các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường học mới VNEN, vận dụng phương pháp Bàn tay nặn bột và dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch tại các trường tiểu học trong tỉnh; có biện pháp giảng dạy phù hợp đối với học sinh khuyết tật học hòa nhập; tổ chức dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc; tăng cường văn hóa đọc trong các trường với nhiều hình thức; đặc biệt là xây dựng thư viện thân thiện, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, tạo điều kiện để phát triển khả năng đọc và thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học.

“Để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trung học, phòng GD&ĐT các địa phương, các trường THPT đẩy mạnh thực hiện giảng dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình, thống nhất thực hiện tiến độ chuyên môn theo khung phân phối chương trình; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về kỹ năng thực hiện ma trận trong ra đề, soạn đáp án, chấm bài thi, kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm khách quan, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông với các cấp độ: biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo, từ đó đảm bảo dạy học sát đối tượng, khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh.

Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh; đẩy mạnh dạy học theo phương pháp giải quyết vấn đề, dạy học tích cực; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học. Thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn qua nghiên cứu bài học; chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên những vấn đề cụ thể của môn học; tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên trường học kết nối; tổ chức thao giảng theo cụm trường, hội giảng theo hướng đổi mới phương pháp dạy học…”, ông Đào Đức Tuấn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ